Từ nhiều năm nay, một số địa phương trong cả nước nói chung, ở Bình Định nói riêng, một số chính quyền xã quyết định quản lý, tổ chức cho những người nuôi vịt chạy đồng đấu giá mặt ruộng sau khi mùa vụ lúa đã thu hoạch xong. Số tiền có được từ đấu giá còn gọi là “phí chăn thả vịt” hoặc “lạc túc đồng”.
|
Một đàn vịt nuôi theo cách thả đồng. Ảnh: H.V
|
* Có thể xem là phí hoặc thuế?
Hàng năm, khoản thu này được phản ánh trong hệ thống sổ sách kế toán là thu “hoa lợi công sản”, dùng để bổ sung kinh phí chi thường xuyên và một phần điều tiết, chi cho hoạt động các thôn. Có nơi, HĐND xã còn ban hành một nghị quyết về vấn đề này để làm cơ sở cho UBND cùng cấp tổ chức thực hiện.
Khoản thu này không lớn, thường khoảng trên dưới 100.000đồng/ha/năm. Nhưng xung quanh vấn đề này có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhất là khi những người nuôi vịt không chấp nhận ký hợp đồng với giá do UBND xã đưa ra; hoặc khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại kéo dài giữa chủ ruộng với người trúng thầu; hoặc giữa người trúng thầu số mặt ruộng với những người chăn nuôi vịt ở địa phương. Trên thực tế, có trường hợp người chăn nuôi vịt không chịu ký hợp đồng với người trúng thầu mà cứ việc thả vịt ăn nên xảy ra tranh chấp, chính quyền địa phương phải ra tay can thiệp nhưng không có hiệu quả.
Khi tiến hành giải quyết, có ý kiến cho rằng, khoản thu từ hoạt động chăn thả vịt thực chất là một khoản thu nhập của xã nên có thể xem là phí hoặc là thuế. Vì vậy, các hộ không chấp hành, xã cứ lập biên bản và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, buộc các hộ đã thả vịt phải có nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách xã, hoặc ký kết hợp đồng tương ứng với số lượng vịt nhằm bảo đảm quyền lợi của người trúng thầu.
* Thực chất là khoản thu do địa phương tự đặt
Theo chúng tôi, muốn xử lý vụ việc đúng pháp luật phải bắt đầu từ những quy định của Nhà nước về quản lý các nguồn thu. Như chúng ta đã biết, Pháp lệnh phí và lệ phí ra đời đến nay đã gần 7 năm, nhưng trong những trường hợp này rõ ràng vẫn có sự nhầm lẫn; chưa phân biệt rõ ràng đâu là phí, đâu là thuế hay chỉ là khoản thu do địa phương tự đặt ra.
Theo quy định tại Nghị định 64/CP và Luật Đất đai, Nhà nước giao quyền sử dụng đất lâu dài đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, có nghĩa là người sử dụng đất đã có đầy đủ các quyền trên mảnh ruộng của mình như bồi bổ, tái tạo đất, thâm canh, tăng vụ, cho thuê… Do vậy, địa phương sử dụng mặt ruộng đã giao quyền lâu dài cho các hộ nông dân này để cho các đối tượng chăn vịt thuê và thu một khoản thu như nói trên là không đúng theo quy định của Nghị định 57/2002/NĐ-CP ngày 3.6.2002 và Pháp lệnh phí, lệ phí.
Hay nói cách khác, nguồn thu từ việc người dân nộp một khoản tiền vào ngân sách để được chăn thả vịt trên đồng ruộng là khoản thu hiện nay không có trong danh mục.
Vì vậy, thực chất của khoản thu phí chăn thả vịt là khoản thu do chính quyền địa phương tự đặt ra, nếu tiến hành xử phạt hành chính và cưỡng chế thì phần đầu của các quyết định nói trên sẽ không có căn cứ viện dẫn. Có một vấn đề cần bàn ở đây, nếu các địa phương muốn tạo nguồn thu từ phí chăn thả vịt thì nhất quyết phải được tất cả nhân dân đồng tình, có thể được ghi nhận trong các hương ước khu dân cư. Nếu không, khi phát sinh tranh chấp, khiếu nại, các địa phương chỉ có cách là phối hợp với các hội, đoàn thể tiến hành hòa giải, động viên các bên thực hiện nghĩa vụ; thỏa thuận việc chi trả tiền chăn thả vịt trên cơ sở có lý, có tình, tuyệt đối không sử dụng nguyên tắc hành chính để giải quyết vấn đề, bảo đảm đoàn kết nội bộ nhân dân.
Nên chăng, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 24/2007/CT-TTg ngày 1.11.1997 của Thủ tướng Chính phủ là phải bãi bỏ ngay những khoản phí, lệ phí không có tên trong danh mục chi tiết của Nghị định 24 ngày 6.3.2002 như đã nói trên nhằm đỡ bớt gánh nặng cho người dân; không phải tổ chức bán quyền sử dụng mặt ruộng cho người chăn vịt vì số diện tích này Nhà nước đã giao quyền lâu dài cho người nông dân, để con vịt “một nắng hai sương” không còn là đối tượng phải “gánh” nguồn thu ngân sách nữa…
|