Trong một vài năm gần đây, dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch heo tai xanh, cúm gia cầm liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Ở huyện Hoài Nhơn, nhiều hộ chăn nuôi phải “tán gia bại sản” do chưa chú trọng đến công tác tiêm phòng.
Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là ý thức phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong một bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo của Trạm Thú y Hoài Nhơn, nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn lơ là, chủ quan từ khâu chọn con giống, đến vệ sinh chuồng trại và công tác tiêm phòng cho gia súc. Trong đợt I.2009 triển khai kế hoạch tiêm vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc ở Hoài Nhơn vẫn còn 4/17 xã, thị trấn có tỉ lệ tiêm phòng chưa đạt yêu cầu (dưới 70%).
Điều đáng nói là, trong số những địa phương có tỉ lệ tiêm vắcxin còn thấp nêu trên, có cả gia đình cán bộ, đảng viên nhưng chưa thật sự gương mẫu, đi đầu. Cá biệt, có trường hợp hộ gia đình có đến hai người đều là cán bộ chủ chốt thuộc hội, đoàn thể xã, thôn nhưng đã có thái độ phản đối khi lực lượng thú y vào nhà tiêm phòng cho đàn gia súc của mình.
Nhiều trường hợp khác, khi biết trước cán bộ thú y và đoàn thể địa phương đến nhà vận động, họ đã tổ chức lừa đàn gia súc lên trên núi gần nhà để lẩn tránh việc tiêm phòng. Tìm hiểu lý do, hóa ra những hộ chăn nuôi này sợ khi tiêm vắcxin sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và làm gia súc chậm lớn(? ).
Từ thực tế này, vấn đề đặt ra là cần xem lại nhận thức của người dân đối với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiêm phòng.
Chúng tôi còn nhớ, vào những năm trước đây, khi công tác tiêm phòng các bệnh uốn ván, ho gà, bại liệt… theo chương trình mục tiêu quốc gia còn khá mới mẻ, nhiều ông bố, bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm phòng cũng sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con em nên lẩn tránh việc cán bộ y tế đến nhà. Còn bây giờ, khi người dân đã nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và tầm quan trọng nên đã tích cực, chủ động mang con em mình đến Trạm y tế để tiêm phòng đầy đủ, thậm chí không sót một liều, một loại vắcxin nào.
Khác với phòng bệnh ở người, việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm vẫn còn một chút gì đó nặng nề trong nhận thức của một bộ phận nhân dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành và hội, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; trong đó, coi phòng là khâu chính, có ý nghĩa quyết định. Và, hơn ai hết, gia đình cán bộ, đảng viên ở cơ sở cần phải gương mẫu, đi đầu thực hiện chủ trương này.
|