Năm 2003, hai huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) tỉnh đã thành lập đội chống xung điện xiếc máy (XĐXM) để ngăn chặn nạn khai thác thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt XĐXM trên vùng đầm Đề Gi. Tuy nhiên, do không duy trì hoạt động thường xuyên, và từ năm 2008 đến nay công tác này hầu như thả nổi nên vấn nạn XĐXM lại liên tục phát triển khiến NLTS nơi đây ngày càng cạn kiệt.
|
Ghe XMXĐ đậu công khai tại mặt đầm thuộc thôn Đức Phổ 1. Ảnh: Xuân Thức
|
Đầm Đề Gi tiếp giáp với các xã Cát Khánh, Cát Minh (Phù Cát), Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Thành (Phù Mỹ) có diện tích rộng hàng nghìn ha, có NLTS đa dạng, phong phú có giá trị xuất khẩu như tôm hùm, cá nhám, cá mú, cá chua, ghẹ, sò huyết, rau câu… góp phần nuôi sống cả vạn cư dân sống ven đầm bằng nghề đánh bắt thủy sản truyền thống. Nhưng từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, đầm Đề Gi luôn dậy sóng bởi nghề khai thác thủy sản bằng phương tiện XĐXM.
Theo báo cáo của UBND xã Cát Minh, nơi có số ghe thuyền hoạt động nghề cấm đông nhất, thì năm 2008 toàn xã có 46 ghe chuyên hoạt động XĐXM, chưa kể 4 ghe máy của xã Cát Khánh cũng gia nhập đội quân “tận diệt” NLTS, tăng 22 ghe so năm 2007. Ngoài ra, các phương tiện xiếc nhỏ hơn như dùng xung điện xiếc điện đeo vai, để trên sõng câu nhỏ khai thác thủy sản nội đồng và gần bờ ven đầm thì… không tính hết.
Ông Nguyễn Đình Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết: “Chúng tôi cũng khá bức xúc, nhưng không có giải pháp nào giải quyết triệt để vì phần đông những hộ hành nghề XĐXM đều hộ nghèo. Năm 2008 khi có Quyết định 289 của Chính phủ, xã vận động các hộ từ bỏ nghề cấm chuyển sang đánh bắt thủy sản truyền thống để nhận tiền hỗ trợ xăng dầu, nhưng chỉ có 14 hộ đăng ký. Trong khi chờ Nhà nước hỗ trợ, thì có 3 hộ quay lại nghề XĐXM, còn 11 hộ đã nhận tiền hỗ trợ xăng dầu nay chuyển sang đánh bắt xa bờ. Sở dĩ nghề cấm tồn tại một phần do lợi nhuận quá cao, một ghe máy và dụng cụ hành nghề nếu sắm mới chừng 5 - 10 triệu đồng, hoạt động 7 đến 10 đêm là đủ vốn nên nếu bị bắt họ sẵn sàng đánh chìm hoặc bỏ ghe để thoát thân. Hơn nữa những năm qua giá muối quá bấp bênh không ổn định nên số hộ diêm dân chuyển sang làm nghề xiếc điện càng nhiều. Mặt khác, các ngành chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương các xã ven đầm thời gian qua có lơ là dẫn đến xử lý không triệt để”.
Đến thôn Đức Phổ 1, nơi “ điểm nóng” có đông ghe thuyền hoạt động XĐXM, ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng thôn than thở: “Vì XĐXM mà thôn tôi không bao giờ đạt làng văn hóa, chi bộ không đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Chúng tôi đi vận động họ bỏ nghề, họ hứa thì hứa, nhưng đêm hôm lại lén lút mang ghe đi xiếc. Hiện giờ phương tiện xiếc cả thôn lên đến 40 ghe, cũng do chính quyền xử lý thiếu kiên quyết, làm không nghiêm”.
Trong vai cán bộ điều tra dân số chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Thành (50 tuổi) ở xóm 1 thôn Đức Phổ 1. Qua trò chuyện anh cho biết đã có 10 năm thâm niên hành nghề cấm, anh bộc bạch: “Do ruộng đất ít (1,5 sào) nhà nhân khẩu đông, không nghề nghiệp gì, năm 1994 tôi mua ghe máy hết 7 triệu đồng đi xiếc, năm 2000 bị bắt tôi bỏ ghe nghỉ một thời gian. Năm 2004 sắm lại ghe mới hết 5 triệu đồng làm nghề cho đến nay, thường thì mỗi đêm đi ủi kiếm chừng 100.000 đồng. Tôi cũng mong chính quyền Nhà nước giúp đỡ chuyển nghề chứ làm lén lút thế này ai mà không sợ bị bắt, bị xử lý theo pháp luật”. Tiếp xúc ai cũng nói vậy, nhưng xem ra nghỉ nghề không dễ dàng gì bởi nguồn lợi thu từ XĐXM đã làm tối mắt nhiều người nên họ bất chấp pháp luật.
Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, khẳng định: “Xã Cát Khánh hiện nay không có hộ hành nghề XĐXM, chứ trước đây cũng nằm trong điểm nóng có đến 12 ghe hành nghề cấm. Năm 2003 huyện thành lập đội chống XĐXM, qua vận động các hộ trên đều bỏ hẳn nghề xiếc chuyển sang đánh bắt nghề truyền thống từ đó cho đến nay, mới rồi các hộ trên cũng được hỗ trợ tiền xăng dầu theo Quyết định 289 của Chính phủ. Điều đáng lo hiện nay là nhân dân xã chúng tôi lại phân bì: “Xã Cát Minh sao không cấm XĐXM, còn xã mình cấm?”.
Để ngăn chặn và đi đến chấm dứt vấn nạn XĐXM trên đầm Đề Gi, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven đầm cần có giải pháp lâu dài, phối hợp với nhau, thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, kiểm soát trên đầm, thực hiện các biện pháp kiên quyết hơn nữa. Trong đó cần phải bắt buộc các chủ ghe thuyền phải đăng ký cấp biển số, nếu không thì cương quyết không cho lưu hành… có như vậy mới bảo vệ được NLTS và giữ gìn sự bình yên cho đầm Đề Gi.
|