TRỞ LẠI VỤ KHIẾU NẠI “HẠT TRƯỞNG HẠT KIỂM LÂM HUYỆN CHIẾM ĐẤT DÂN!”:
Bên nói không, bên nói có
8:36', 24/6/ 2009 (GMT+7)

Báo Bình Định số ra ngày 14.5.2009 có bài “Lá đơn khởi kiện từ An Trung”, với nội dung phản ánh về việc ông Nguyễn Thanh Sinh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (KL) huyện An Lão lợi dụng chức vụ, để chiếm dụng nương rẫy của sáu hộ dân người dân tộc Hre, ở thôn 1, xã An Trung (An Lão). Sau khi báo ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có văn bản gởi Báo với nội dung “kết luận” việc ông Sinh chiếm dụng nương rẫy của dân như báo nêu là không có cơ sở. Nhưng kết quả xác minh của Đảng ủy, chính quyền xã thì khác hẳn...

* Trở lại vụ việc

Như Báo Bình Định đã thông tin, ngày 4.3.2009, sáu hộ dân đều là người dân tộc Hre, gồm: Đinh Văn Hải, Đinh Văn Đê, Đinh Thị Rái, Đinh Thị Đất, Đinh Thị Nở và Đinh Thị Trân, gởi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng phản ánh về việc ông Nguyễn Thanh Sinh – Hạt trưởng Hạt KL huyện An Lão chiếm dụng đất khai hoang của họ, sau đó “hợp thức hóa” quyền sử dụng bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). 

Theo đơn khiếu nại, sáu hộ dân trình bày như sau: “Từ năm 1976, chúng tôi đã khai hoang, phát dọn một khu đất (nay là khu đất được UBND huyện An Lão cấp cho ông Sinh) cạnh hồ, thuộc thôn 1, xã An Trung, để trồng mì, dứa nhằm tạo thêm thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống. Đến năm 2002, thấy ông Sinh cùng một số người khác mang cây keo con đến trồng trên rẫy mình, chúng tôi lập tức đến ngăn cản. Thấy vậy, ông Sinh giải thích: “Tôi có xin phép Ban nhân dân thôn 1 để trồng keo làm mô hình cho bà con học tập noi theo”. Cùng lúc đó, ông Đỗ Trọng Đến (đã chết) – nguyên là kiểm lâm viên của xã, đến bảo đây là keo mô hình, khi nào nhà nước khai thác xong sẽ trả lại đất canh tác cho bà con. Nghe vậy, chúng tôi đã để cho ông Sinh trồng keo trên rẫy của mình. Xen canh với cây keo ông Sinh trồng, chúng tôi cũng trồng mì, dứa trên đất của mình. Năm 2004, biết keo trồng trên đất của mình là của cá nhân ông Sinh chứ không phải là mô hình gì của nhà nước nên chúng tôi đã gởi đơn khiếu nại đòi lại đất. Lúc đó, ông Sinh nhờ người mang đến trao cho mỗi hộ chúng tôi 200 nghìn đồng, nói là tiền bồi hoàn công làm cỏ mì, cùng với lời hứa khi nào khai thác xong sẽ trả lại đất. Nghe vậy, chúng tôi yên tâm không khiếu nại nữa. Đầu năm nay, khi biết khu đất của mình đã bị ông Sinh hợp thức hóa sổ đỏ từ năm 2005, chúng tôi mới biết mình đã bị ông ấy lừa…”. 

Sau khi nhận đơn khiếu nại của sáu hộ dân, ngày 17.4, UBND xã An Trung tổ chức buổi hòa giải cho hai bên tranh chấp. Tại buổi hòa giải, tổ công tác đưa ra hướng giải quyết tranh chấp bằng cách đề nghị ông Sinh thương lượng số tiền đền bù cho các hộ dân. Tuy nhiên buổi hòa giải bất thành vì ông Sinh khăng khăng rằng: “Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho tôi thì là của tôi, không thương lượng gì cả”. Tương tự như vậy, sáu hộ dân cũng yêu cầu nhận lại khu đất để trồng trọt nhằm cải thiện cuộc sống vốn đang khó khăn, chứ không nhận tiền đền bù.

* Bên nói không, bên nói có

Sau khi có đơn khiếu nại và bài phản ánh trên báo Bình Định, ngày 18.6, Chi cục KL tỉnh có công văn phúc đáp về vụ việc trên. Nhưng theo đó Chi cục KL tỉnh không đề cập gì đến việc trước năm 2004 ông Nguyễn Thanh Sinh đã dùng thủ thuật để chiếm đất của dân như đơn khiếu nại mà chỉ “kết luận” rằng, hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Sinh và bà Nguyễn Thị Kim Cúc (vợ ông Sinh) để sản xuất, kinh doanh phát triển nghề rừng là đúng trình tự thủ tục, quy định pháp luật, và việc tố giác ông Sinh lợi dụng chức vụ tìm cách chiếm dụng nương rẫy của các hộ dân là không có cơ sở, chứng cứ.

Và kết quả xác minh của Đảng ủy, chính quyền xã An Trung cũng khác hẳn với “kết quả xác minh” của Chi cục KL tỉnh. Cụ thể, tại buổi làm việc vào ngày 26.5 với thành phần gồm có bà Đinh Thị Ganh - Bí thư Đảng ủy xã, Đinh Văn Lia - Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ khác trong xã An Trung, đã xác định: Khu đất ông Sinh đang trồng cây keo có diện tích 3,1ha tại thôn 1, xã An Trung, được UBND huyện An Lão giao quyền sử dụng cho ông Sinh với mục đích trồng rừng vào năm 2005, nguyên thủy trước đây là của sáu hộ dân nói trên. Khu đất này được các hộ dân khai hoang từ năm 1984, sau đó trồng mì, quế, cây keo… Trên cơ sở đó, ngày 18.6 lãnh đạo Đảng ủy xã và UBND xã An Trung đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc tranh chấp đất giữa các hộ dân và hộ ông Sinh theo đúng pháp luật, sớm trả khu đất cho các hộ dân nghèo nhận lại để họ sản xuất nhằm cải thiện đời sống.

Hy vọng các cơ quan chức năng sớm quan tâm làm sáng tỏ vụ việc, bảo đảm công bằng xã hội.

  • Anh Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhức nhối tin nhắn rác  (19/06/2009)
Nộp vào thì dễ, rút ra sao khó thế!  (19/06/2009)
Xe gây ra tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm  (17/06/2009)
Người mua nóng lòng chờ nhận đất  (17/06/2009)
Ai bảo vệ quyền lợi cho người đấu tranh với tiêu cực?  (12/06/2009)
Những cuộc đua tử thần  (06/06/2009)
2 cháu bé bị não úng thủy được hỗ trợ phẫu thuật  (05/06/2009)
Vỡ mộng bán hàng đa cấp !!!  (05/06/2009)
Cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này  (05/06/2009)
Dựng hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền bảo hiểm  (03/06/2009)
Cần có cái nhìn chính xác hơn về tình trạng học sinh bỏ học  (30/05/2009)
Đỉnh Olympia ở nước... Úc (?)  (22/05/2009)
Tái phạm trong thời gian chấp hành án, sao lại xử treo?  (21/05/2009)
Một cơ sở sản xuất bánh gây ô nhiễm môi trường  (15/05/2009)
Chuyện không bình thường  (13/05/2009)