Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn được xây dựng trên một mặt bằng rất đẹp, ngay bên bờ biển Quy Nhơn. Như tên gọi của nó, mục tiêu ban đầu của công viên này chủ yếu là để phục vụ thiếu nhi. Tuy nhiên, lâu nay, nơi này không có nhiều thiếu nhi đến sinh hoạt, vui chơi, ngay cả trong những ngày hè.
|
Chiếc cầu tuột bị nhóm thanh niên khiêng bỏ ra ngoài bãi cỏ để lấy chỗ chơi bóng.
|
1.
Mỗi chiều, bên trong Công viên Thiếu nhi luôn sôi nổi các hoạt động thể dục thể thao. Chỉ có điều, tất cả những hoạt động này đều dành cho… người lớn. Từ ngoài cổng bước vào, bên trái là một sân bóng chuyền, với hàng chục thanh niên hò reo ầm ĩ. Cách đó vài trăm mét là một sân bóng đá cũng sôi động không kém. Nhìn sang phải, các trò chơi miễn phí dành cho thiếu nhi như cầu tuột, các vòng xoắn ốc… đặt trong những ô xi măng hình chữ nhật hoặc bầu dục, đã bị các nhóm thanh niên khiêng bỏ ra ngoài bãi cỏ, để lấy chỗ chơi trò chuyền bóng. Gần đó, chiếc bập bênh cũng bị những “người lớn” này chiếm lĩnh làm nơi nghỉ mệt. Rải rác trong công viên, một vài mảng cỏ bị đào xới để đóng những chiếc xà đơn.
Phải chăng thiếu nhi Quy Nhơn không thích đến công viên? Không, các em vẫn thích đến đây vui chơi, nhưng buộc phải nhường chỗ cho các anh, các chị mà thôi. Chẳng hạn như, buổi chiều mà chúng tôi vào để chụp ảnh và thực hiện bài viết này, có một vài tốp thiếu nhi, tung tăng dắt tay nhau đi vào cổng. Nhìn thấy chiếc bập bênh, các em liền chạy ùa đến. Nhưng gần tới nơi, thì bị nhóm thanh niên chơi bóng chặn lại, với lời khuyên: “Đi chỗ khác chơi. Ở gần đây, bóng sẽ rơi trúng đầu”. Thế là các em lủi thủi kéo đi. Có một tốp, xem chừng rất thích trò bập bênh, nên gần nửa tiếng sau, quay trở lại. Thế nhưng, chiếc bập bênh vẫn bị chiếm lĩnh. Không còn cách nào khác, các em đành chơi trò bò qua vòng xoắn ốc, nhưng mắt phải luôn để ý đến quả bóng có thể đi lạc sang bất cứ lúc nào.
2.
Vậy là niềm vui duy nhất và cũng là động lực làm các em muốn đến công viên này chỉ để chơi các trò chơi dịch vụ. Nào lái mô tô, cưỡi ngựa, cưỡi máy bay, câu cá, đi xe lửa. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng rủng rẻng hầu bao để dẫn con em đến đây chơi mỗi ngày.
Anh Nhật ở đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, lúc trước thường dẫn hai cậu con trai đến công viên chơi, nhưng nay mỗi tuần chỉ đi một lần vào ngày chủ nhật. Theo anh, thiết kế của Công viên Thiếu nhi chưa phù hợp với các em nhỏ. Chẳng hạn, công viên có nhiều bãi cỏ lớn trong khi các em rất hiếu động, không thích chạy nhảy trên cỏ, vì dễ bị vướng chân. Là nơi vui chơi của trẻ em, công viên nên có thêm nhiều trò chơi, mở rộng không gian giải trí. Trước mắt nên hạn chế thanh niên vào đây chơi các môn thể thao không phù hợp như bóng đá, bóng chuyền…
3.
Các em thiếu nhi Quy Nhơn được các cấp chính quyền thành phố quan tâm khi dành ra một khuôn đất có vị trí đẹp để xây dựng Công viên Thiếu nhi. Thế mà, bao năm qua, đối tượng hưởng lợi chính lại không phải là các em. Bên cạnh đó, khi cho phép quá nhiều hàng quà hoạt động ở đây, vô tình khiến cảnh quan nơi này thêm xô bồ, lộn xộn.
Ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, đơn vị quản lý công viên này, cho biết: “Một tổ khoảng 6 người được giao coi sóc công viên. Bảo vệ có hai người, một người giữ trật tự bên trong, một người chịu trách nhiệm phần bên ngoài. Thời gian qua, Công ty giải quyết được tình trạng buôn bán lộn xộn ở hai đầu công viên bằng cách cho phép họ mở quán giải khát, kết hợp với làm dịch vụ tắm biển. Còn ở đoạn giữa, dù không được phép, nhưng một số người vẫn lén lút buôn bán. Chúng tôi đã mở nhiều đợt truy quét, tịch thu hàng hóa và phương tiện mua bán. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm mạnh chuyện này. Đồng thời, tiếp tục đưa ra những đề xuất với lãnh đạo thành phố đầu tư thêm, để nơi này đúng nghĩa dành cho thiếu nhi”.
|