Một vụ thi hành án dân sự (THADS) trong một bản án hình sự đã gây nhiều ý kiến trái ngược nhau giữa các cơ quan thi hành pháp luật, do bản án tuyên không có tính khả thi. Để giải quyết vụ án, cơ quan THADS tỉnh và các cơ quan liên quan đã tốn nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn chưa có phương án xử lý vụ án phù hợp với pháp luật.
Tại bản án số 129/HSPT, ngày 5.4.1995 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng, xét xử về vụ buôn lậu, đã tuyên: “… tịch thu chiếc thuyền máy mang biển số BĐ 0234-TS của ông Nguyễn Đưa, trú tại: tổ 25, KV. 5, P. Hải Cảng, TP. Quy Nhơn để sung vào công quỹ Nhà nước”.
Theo thủ tục, sau khi tiếp nhận bản án, Trưởng THADS tỉnh Bình Định ra Quyết định thi hành án đối với khoản tịch thu sung công quỹ chiếc thuyền. Thế nhưng, khi Chấp hành viên (CHV) tiến hành xác minh tài sản thì phát hiện chiếc thuyền đã được ông Nguyễn Đưa bán cho người khác và cũng không xác định được địa chỉ của người mua. Vì vậy, CHV không có cơ sở để tổ chức thi hành án. Ngày 8.1.1997, THADS tỉnh tổ chức họp liên ngành với các cơ quan: TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh, CA tỉnh thống nhất cho ông Nguyễn Đưa thi hành án khoản truy thu tiền bán chiếc thuyền, với số tiền 9 triệu đồng, theo giá bán thực tế mà ông Nguyễn Đưa đã cung cấp với Cơ quan Điều tra, được ghi nhận tại biên bản kê biên ngày 9.3.1994, để sung vào ngân sách nhà nước thay cho việc tịch thu chiếc thuyền theo bản án đã tuyên. Đồng thời, Cơ quan THADS tỉnh có văn bản đề nghị TAND tối cao xem xét lại Bản án số 129/HSPT theo trình tự giám đốc thẩm. Sau khi có ý kiến tại cuộc họp liên ngành, ông Nguyễn Đưa đã tự nguyện xin nộp dần số tiền bán chiếc thuyền là 6,5 triệu đồng, số tiền này đã nộp vào ngân sách.
Ngày 3.1.1998, Ủy ban Thẩm phán TAND tối cao xét xử vụ án nói trên theo trình tự giám đốc thẩm, đã ra quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm số 129/HSPT của TAND tối cao tại Đà Nẵng. Một lần nữa, tòa án đã “làm khó” cho CHV. Từ đó đến nay CHV không thể tổ chức thu tiền và cũng không có cơ sở xử lý dứt điểm vụ việc được. Về phía ông Nguyễn Đưa có đơn xin được tiếp tục nộp số tiền còn lại là 2,5 triệu đồng (trong số 9 triệu đồng) để được kết thúc việc thi hành án.
Xét về mặt pháp lý, thì Cơ quan Thi hành án phải tổ chức thi hành án theo nội dung bản án của tòa án đã tuyên. Tuy nhiên, nếu tổ chức thi hành án theo bản án thì không thi hành án được, vì thực tế hiện nay chiếc thuyền không còn tồn tại. Nếu tổ chức thi hành án theo nội dung tại cuộc họp liên ngành ngày 8.1.1997 thì trái với quy định của pháp luật và quyết định của bản án. Hoặc, nếu ra quyết định đình chỉ thi hành án thì không có căn cứ pháp lý (pháp luật về thi hành án không quy định đình chỉ trong trường hợp này).
Để xử lý việc thi hành án dân sự nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc tịch thu một tài sản cụ thể để sung vào công quỹ nhà nước (vật đặc định), nhưng tài sản đó không còn, do đó về nguyên tắc không thể thay thế bằng tài sản khác hoặc thay thế bằng hình thức thi hành án khác. Vì vậy, Cơ quan THADS chỉ còn có thể xử lý việc thi hành án bằng cách ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với việc thi hành án nói trên, đồng thời lập thủ tục thoái trả tiền đã thu của ông Nguyễn Đưa để kết thúc việc thi hành án. Tuy nhiên, cách giải quyết này cũng chưa ổn và chưa có tiền lệ.
Qua vụ việc này cho thấy, việc Tòa án tuyên tịch thu chiếc thuyền để sung vào công quỹ nhà nước là chưa thuyết phục, không có tính khả thi. Lẽ ra, Tòa án phải quyết định thi hành biện pháp khác phù hợp với nội dung, diễn biến của vụ án, có vậy mới đảm bảo bản án được thi hành trên thực tế. Hiện nay, đã quá 14 năm nhưng bản án vẫn còn lơ lửng, hồ sơ thi hành án vẫn còn đó, người phải thi hành án thì xin được nộp tiền nhưng CHV không có căn cứ xử lý vụ việc để kết thúc việc thi hành án. Một lãnh đạo của THADS tỉnh cho biết: Hiện nay, có khoảng trên mười vụ án không khả thi, nhưng không có cơ sở để đình chỉ THADS, mà nguyên nhân thường là nội dung án tuyên không thực tế; một số trường hợp cụ thể các cơ quan nội chính không thống nhất quan điểm xử lý… từ đó càng làm tăng thêm án tồn đọng trong thi hành.
|