Những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi còn học phổ thông, một trong những môn học mà tôi và nhiều bạn trong lớp không thấy hứng thú khi đến giờ, đó là môn Thể dục. Phần lớn là chúng tôi phải học những môn như chạy, nhảy cao, nhảy xa, ném tạ... đây là những môn học đòi hỏi phải có thể chất khỏe mạnh, nên thật không phù hợp với tôi và nhiều bạn nữ khác. Do đó, việc chúng tôi thường bị thi lại nếu không được thầy “chiếu cố” cho qua là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, những môn phù hợp với những học sinh hạn chế về thể chất, thể hình và chúng tôi rất muốn được học như cờ vua, bóng bàn, cầu lông thì không được dạy. Đặc biệt là môn bơi lội, nếu được dạy sẽ góp phần làm giảm nguy cơ tai nạn do tắm biển, nhất là tại thành phố biển như Quy Nhơn. Mặc dù là cư dân thành phố biển, nhưng tôi và rất nhiều bạn đồng lứa (kể cả các khóa sau cũng vậy) đều không biết bơi!
|
Một tiết học môn Thể dục tại Trường THCS Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). Ảnh: Văn Lưu |
Cho đến nay, tình hình mặc dù có chuyển biến, nhưng vẫn không khá hơn là mấy. Thế hệ các em, cháu trong nhà tôi vẫn không cảm thấy hứng thú với môn học lẽ ra rất hào hứng, sau những tiết học ngồi trong lớp.
Thời gian qua, ngành giáo dục đã tích cực triển khai nguyên tắc học đi đôi với hành ở môn hướng nghiệp thực hành. Tùy theo sở thích, năng lực và đặc điểm giới mà học sinh có thể đăng ký học trong các môn như thêu, may, đan, mộc, gò, tiện... Đây là những môn học mang lại ít nhiều hứng thú, vì học sinh được hướng dẫn làm những gì mình thích, đồng thời cũng mang tính thiết thực.
Thiết nghĩ, ngành giáo dục nên phối hợp với ngành TDTT tổ chức hoạt động dạy và học môn Thể dục. Học sinh các lớp trong một khối có thể đăng ký môn học nào mình thấy phù hợp và lớp học sẽ được giáo viên thể dục của trường và huấn luyện viên của trung tâm TDTT hướng dẫn. Việc luyện tập tại địa điểm được đầu tư cơ sở vật chất (sân bóng chuyền, sân cầu lông, bể bơi...) của các trung tâm TDTT sẽ khiến môn học hấp dẫn hơn. Để đảm bảo tính khả thi, có thể tiến hành thu một khoản phí khi đăng ký môn học nhằm chi trả chi phí duy tu, bảo dưỡng sân tập. Tùy mức độ sử dụng cơ sở vật chất của từng môn mà khoản thu này sẽ khác nhau, phù hợp cho nhiều đối tượng, hoàn cảnh gia đình. Tôi nghĩ các phụ huynh sẽ đồng tình khi đóng thêm khoản kinh phí này để con em mình được rèn luyện thể chất một cách đúng nghĩa và phù hợp, trong một môi trường an toàn và chuyên nghiệp.
Như vậy, việc dạy và học thể dục sẽ phát huy tinh thần yêu thể thao ở học sinh, rèn luyện thể chất của học sinh phù hợp với đối tượng. Và biết đâu qua đó, ngành TDTT tỉnh nhà sẽ phát hiện được những nhân tố mới về TDTT để có hướng đào tạo, bồi dưỡng tiếp theo…
|