Báo Bình Định số ra ngày 5.8.2009 có bài phản ảnh HTXNN 2 Phước Thắng lúng túng trong công tác thu hồi nợ đọng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế không chỉ riêng HTXNN 2 Phước Thắng mà nhiều HTXNN ở huyện Tuy Phước cũng khó khăn không kém trong công tác thu hồi nợ đọng. Vậy đâu là nguyên nhân?
|
Nông dân Tuy Phước thu hoạch lúa vụ Thu 2009. Ảnh: Xuân Thức
|
Khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX, mọi vấn đề tuy rõ ràng hơn, nhưng các HTX vẫn không xóa bỏ được sợi dây nợ nần của cơ chế cũ còn tồn tại. Theo Đề án số 03 “Củng cố các HTXNN giai đoạn 2009-2010 và định hướng đến năm 2015” ban hành ngày 30.3.2009 của Huyện ủy Tuy Phước, thì 23 HTXNN trong toàn huyện đến cuối năm 2008 có số nợ tồn đọng trong xã viên so với vốn lưu động chiếm tới 54,3% (tổng số nợ phải thu 11,8 tỉ đồng, trong đó nợ mới phát sinh năm 2008 là 900 triệu đồng, nợ cũ từ năm 2007 về trước 10,9 tỉ đồng); số nợ cũ thu rất khó khăn, đến nay mới thu đạt 12,5%...
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hòa, cho biết: “Nguồn vốn lưu động của HTX được đại hội xã viên giao khoán bảo tồn đều nợ đọng trong xã viên đến nay lên hơn 700 triệu đồng, đa phần hộ xã viên nợ dây dưa nhiều năm kéo dài không thu được từ các đời chủ nhiệm trước đến nay, dẫn đến nợ xấu 300 triệu đồng. Không có vốn, hiện tại HTX chỉ hoạt động 2 loại hình dịch vụ thủy lợi và điện. Sắp đến HTX sẽ bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, chỉ hoạt động dịch vụ thủy lợi. HTXNN Phước Hòa nằm ở vùng kinh tế tương đối phát triển, nhưng không có vốn để mở rộng kinh doanh dịch vụ là thiệt thòi, biết vậy, nhưng đành chịu”.
Ở nhiều HTXNN trong huyện Tuy Phước, công tác thu hồi nợ đọng luôn đặt lên hàng đầu, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa là cán bộ HTX đến từng nhà hộ xã viên yêu cầu họ ký cam kết trả nợ. Họ vẫn ký công nợ hẹn trả, nhưng cuối cùng… không ai nộp nên nợ tồn đọng không biết bao giờ thu hết.
Mặt khác, nợ cũ chưa đòi được nợ mới lại phát sinh, nhưng các HTX không có chế tài gì, chỉ dừng lại ở bước vận động là chủ yếu, nên xã viên cứ để mặc không trả nợ cho HTX. Không ít HTX còn buông lỏng công tác quản lý tài chính, việc ủy nhiệm thu chiếm dụng vốn vẫn còn tái diễn dẫn đến một số HTX lâm vào tình cảnh khó khăn trong thanh toán các khoản nợ phải trả (5,1 tỉ đồng) và không có vốn để mở rộng, nâng cao hoạt động dịch vụ. Có HTX không còn vốn hoạt động như HTXNN 2 Phước Thắng.
Nhiều HTX xếp vào diện khá của huyện (Phước Quang, Phước Hưng, Phước Thuận 2, Phước Sơn 2…) kinh doanh dịch vụ lãi mỗi năm vài trăm triệu đồng vẫn để xã viên chiếm dụng vốn từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng. Không thu được nợ, không ít HTX rơi vào diện trì trệ, hoạt động yếu kém, cầm chừng. Một số HTX khi cân đối tài chính thì vốn lưu động trong sổ sách hàng mấy trăm triệu đồng, nhưng thực quỹ chẳng có bao nhiêu, vì đã nằm hết trong… nợ đọng.
Được biết Sở NN-PTNT, UBND huyện Tuy Phước đã có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết tình trạng thu hồi nợ đọng trong các HTXNN, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến, kết quả đạt được còn quá thấp.
Theo Đề án 03 của Huyện ủy Tuy Phước, để củng cố các HTXNN từ năm 2009-2010 mỗi năm phải thu đạt ít nhất 30% nợ năm 2007 về trước; thu đạt 90% nợ mới phát sinh, giảm tỉ lệ nợ tồn đọng so với vốn lưu động còn 47%; đến năm 2015 tỉ lệ nợ tồn đọng so vốn lưu động xuống còn 30%. Để đạt các chỉ tiêu này, nếu không có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể mà cứ “giao khoán” cho các HTX tiến hành ì ạch như vừa qua thì chắc chắn kết quả chẳng có gì tiến triển hơn.
|