Theo phản ánh của nhiều hộ dân, chúng tôi tìm về 2 xóm 5 và 6 ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. Điều nhận thấy ngay khi đặt chân đến đây là mùi hôi tanh nồng bốc lên từ con mương xanh chảy dài uốn lượn bên dưới con đường bêtông liên xóm. Phía dưới là dòng nước đang bị ô nhiễm nặng và được chia làm 2 đoạn. Đoạn từ trước Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi thuộc Công ty cổ phần Phú Tài có màu trắng đục như sữa và sau khi chảy qua hệ thống cống ngầm của xí nghiệp gỗ này là một màu đen ngòm như nước tương xì dầu. Ông Phan Văn Thảo - xóm trưởng xóm 5 - cho biết: “Tuyến mương Yếu Lược này được xây dựng để lấy nước từ sông Hà Thanh về tưới tiêu cho các cánh đồng ở xã Phước An và một phần diện tích ở xóm 5 và 6. Trước đây, nguồn nước của con mương này rất tốt, tuy nhiên từ khi Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi và Công ty đá Đông Á hoạt động thì mỗi khi trời mưa, nguồn nước của con mương này bị ô nhiễm nặng bởi bột cặn đá và nước ngấm mùn cưa thải ra từ 2 đơn vị này. Hậu quả, đã làm thiệt hại nặng nề cho khoảng 3 hecta lúa và hoa màu của bà con địa phương. Nguy hiểm hơn nó còn có nguy cơ gây ra một số dịch bệnh cho người và gia súc ở đây vì vùng đất này là mạch cát nên sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm sử dụng của bà con”.
|
Ông Phan Văn Thảo - xóm trưởng xóm 5 - bên ống xả nước thải ra mương từ Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi vừa bị bà con nhân dân xây bít.
|
Theo ông Phan Văn Thảo, thì tình trạng ô nhiễm này đã diễn ra từ nhiều năm trước và ngày càng trầm trọng, khiến bà con phải quyên góp mua vật tư về xây bít miệng cống thoát nước từ Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi ra con mương này. Tuy nhiên, ông Thảo cũng thừa nhận việc xây bít cống như thế đã làm một số diện tích lúa và hoa màu của người dân thôn Bình An 2 ở phía đầu nguồn bị ngập úng sau các đợt mưa lớn kéo dài. Ngoài ra, ông còn cho biết thêm nếu tình trạng này không được khắc phục thì khi có mưa lớn, nguồn nước ô nhiễm này sẽ tràn ngược vào sông Hà Thanh và khi đó nguy cơ dịch bệnh sẽ lan tỏa ở nhiều địa phương trong huyện và cả thành phố Quy Nhơn.
Bà Lê Thị Thảo – Phó chủ tịch UBND xã Phước Thành - cho biết thêm, một thông tin quan trọng là vào tháng 4.2009, Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi đã đổ cặn nhớt chưa qua xử lý vào hệ thống mương dẫn nước này khiến cá ở trong con mương bị chết hàng loạt. Trước tình trạng này, bà Lê Thị Thảo cho biết, vào ngày 30.6.2009, UBND xã Phước Thành đã có tờ trình gởi các cơ quan chức năng của huyện đề nghị tiến hành kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường của các đơn vị sản xuất – kinh doanh trên địa bàn xã. Trong đó, nêu rõ một số công ty đang hoạt động không đảm bảo môi trường, gây bất bình cho người dân địa phương như: Cty TNHH đá Granite Đông Á, Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi và Trại chăn nuôi heo ở xóm 1 thôn Bình An 1… Mới đây nhất vào ngày 10.9, UBND xã Phước Thành đã tổ chức buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo Công ty TNHH đá Granite Đông Á và Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi với 45 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bị ô nhiễm này. Tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo 2 đơn vị trên đã hứa với bà con địa phương sẽ khắc phục các thiếu sót và sẽ hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải của công ty mình trước khi cho đổ ra con mương Yếu Lược.
|
Dòng nước đục như sữa trước cổng Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi.
|
Trong khi người dân, chính quyền thôn, xã và cả lãnh đạo hai công ty, xí nghiệp đều thừa nhận sự ô nhiễm môi trường ở đây là có thật do 2 công ty, xí nghiệp trên gây ra, thì ngược lại, tại Biên bản làm việc ngày 26.8.2009 của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện do ông Nguyễn Văn Thái - Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy Phước - dẫn đầu về kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi lại ghi rõ: “Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi có hệ thống xử lý nước thải tương đối tốt. Tại hiện trường kiểm tra, xí nghiệp không có công đoạn luộc gỗ nên không có nước thải sản xuất và nước thải ra là nước thải sinh hoạt đồng thời đã qua hệ thống xử lý. Nước thải theo các mương dẫn nước chảy về điểm tập trung theo cống nước chảy về phía Tây của xí nghiệp, hiện tại các hộ dân đã dùng xi măng bịt cống…”.
Như vậy, nếu chiếu theo biên bản làm việc này thì hành vi bịt cống thoát nước nói trên của người dân địa phương là hoàn toàn sai trái và Xí nghiệp gỗ Thắng Lợi có quyền yêu cầu các ngành chức năng can thiệp vận động bà con địa phương tháo dỡ vì việc làm này cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của xí nghiệp(?) Điều đó khác xa những gì mà đại diện các công ty đã thừa nhận với bà con và hứa hẹn quan tâm khắc phục. Có lẽ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện và Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cần xem lại công tác kiểm tra của mình.
|