Tiềm ẩn ô nhiễm môi trường từ chất thải nguy hại
7:16', 2/1/ 2010 (GMT+7)

Theo quy định pháp luật, chất thải nguy hại (CTNH) phải được thu gom, xử lý, tiêu hủy để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên thực tế ở tỉnh ta cho thấy, nhiều loại CTNH vẫn còn len lỏi trong các loại rác thường, thậm chí không biết đã đi về đâu.

 

Bao bì thuốc trừ sâu - một trong những loại CTNH cần phải tiêu hủy nhưng vẫn dễ dàng tìm thấy ở khắp nơi. Ảnh: A.T

 

Theo quy định tại khoản 11, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2006): CTNH là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác. CTNH không chỉ phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn phát sinh trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân. Chẳng hạn, các chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật như chai diệt muỗi, gián; pin điện thoại di động, ắc-quy sử dụng cho xe máy, xe ô tô, chai nước rửa kiếng, thiết bị điện, điện tử, tivi, máy tính, ống mực máy in, máy photocopy... thường phát sinh trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày ở gia đình, văn phòng; còn cặn sơn, dung môi thải, bùn thải, kim loại nặng... thường phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp...

Thực hiện quy định trên, thời gian qua công tác xử lý, tiêu hủy CTNH đã được các cấp, ngành và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý CTNH dạng lỏng theo quy định. Đặc biệt, phần lớn các bệnh viện, cơ sở y tế công ở tỉnh ta không chỉ xây dựng hệ thống xử lý CTNH dạng lỏng, mà còn đầu tư xây dựng lò đốt nhằm tiêu hủy CTNH ở dạng rắn.

Tuy nhiên, hiện việc thu gom, xử lý, tiêu hủy nhiều loại CTNH ở dạng rắn khác ở tỉnh ta vẫn còn bỏ ngỏ. Theo khảo sát của ngành chức năng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 306,6 tấn/ngày. Trong số đó có một phần không nhỏ là CTNH. Thế nhưng, việc phân loại CTNH thời gian qua vẫn chưa thực hiện tại nguồn. Tại các bãi chôn lấp thì hoạt động phân loại diễn ra theo kiểu tự phát. Trong khi đó, ngoại trừ các cơ sở y tế công, phần lớn công nghệ xử lý CTNH một số loại còn lại ở tỉnh ta còn khá “khiêm tốn”, chủ yếu vẫn là chôn lấp vì chưa có lò đốt đúng quy chuẩn để tiêu hủy CTNH.

Thực tế đã chứng minh, CTNH nếu không được thu gom, vận chuyển xử lý chặt chẽ mà thải trực tiếp vào môi trường thì sẽ gây ra các hậu quả khôn lường. Đơn cử một số trường hợp trên thế giới như tại Nhật Bản, một công ty hóa chất đã thải chất chứa thủy ngân vào vịnh Minamata dẫn đến sự tích lũy của thủy ngân trong thủy hải sản, đã làm cho người dân khu vực vịnh bị nhiễm độc thủy ngân. Hay tại Mỹ, việc sử dụng bừa bãi dầu biến thế có chứa PCBs (Polychlorinated biphenyl - là chất rất độc hại gây ung thư) để chống bụi ở một số trang trại đã làm cho các sản phẩm từ sữa hay trứng bị nhiễm PCBs gây nhiễm độc cho người tiêu dùng…

Một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), cho biết: “Ngoại trừ CTNH của các cơ sở y tế, hiện nay việc xử lý CTNH từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và sinh hoạt hàng ngày của người dân chủ yếu vẫn là chôn lấp, chưa đảm bảo yêu cầu xử lý, tiêu hủy CTNH theo quy định. Để việc xử lý, tiêu hủy CTNH ở tỉnh ta đúng theo quy định và đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường thì cần có những lò đốt CTNH đúng quy chuẩn”.

Chất thải nguy hại bao gồm: bùn thải nguy hại; hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ; xỉ tro, tro đáy từ lò đốt; than hoạt tính đã qua sử dụng; chất bảo quản gỗ và các loại bioxit khác được thải bỏ; hóa chất và hỗn hợp hóa chất từ phòng thí nghiệm, hóa chất nguy hại; chất thải sơn, bột màu, mực in; phẩm màu và chất nhuộm thải có chứa thành phần nguy hại; phế phẩm thức ăn gia súc không còn giá trị sử dụng chưa xác định được yếu tố nguy hại; mùn cưa, phôi bào, gỗ thừa, ván, gỗ ván vụn có chứa các thành phần nguy hại; bao bì hóa chất bảo vệ thực vật có hại; bóng đèn nê-on, huỳnh quang… thải ra.

  • Anh Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cháu Kiều Mân được bạn đọc giúp đỡ trên 100 triệu đồng  (02/01/2010)
Vui chơi, liều thuốc bổ tinh thần của trẻ  (30/12/2009)
Việc khởi tố bắt tạm giam cha con ông Thanh là có cơ sở  (26/12/2009)
VKSND TP Quy Nhơn đang chờ ý kiến chỉ đạo cấp trên  (25/12/2009)
Chuyện về cây lộc vừng bỗng dưng… biến mất  (18/12/2009)
Những công viên bị bỏ phí  (16/12/2009)
Dân kêu cứu vì xưởng gỗ gây ô nhiễm  (14/12/2009)
Sáu năm vẫn chưa thực hiện “lời hứa” với dân  (14/12/2009)
Tỉnh lộ 631, con đường “đau khổ”  (09/12/2009)
“Cung đường đen” ở cửa ngõ TP Quy Nhơn  (05/12/2009)
Một bài học cho chính quyền địa phương  (04/12/2009)
Thành thật xin lỗi nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch  (04/12/2009)
Xây trạm BTS gây nứt nhà bên cạnh  (27/11/2009)
Giật mình lưới điện nông thôn  (25/11/2009)
Về bài báo “Vì sao không được trả lại hồ sơ khi chuyển trường”  (18/11/2009)