Năm 2003, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định, Công ty TNHH Thực phẩm – Xuất nhập khẩu Lam Sơn (gọi tắt là Công ty Lam Sơn, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy) chuẩn bị triển khai dự án mở rộng phân xưởng sản xuất thì gặp khó khăn về vốn nên tạm hoãn. Sau thời gian gián đoạn, vừa qua Công ty Lam Sơn tiếp tục nối lại dự án mở rộng phân xưởng sản xuất trên khu đất đã được giao thì bị “mắc kẹt” bởi đơn khiếu kiện của ông Nguyễn Xuân Tịnh – Giám đốc Công ty TNHH XD Thăng Long - với nội dung cho rằng một phần diện tích đất mà Công ty Lam Sơn xin mở rộng là của ông Tịnh. Sự thật như thế nào?
|
Phần đất tiếp giáp quốc lộ 1D thuộc dự án mở rộng phân xưởng sản xuất của Công ty Lam Sơn bị ông Tịnh rào chắn lại. Ảnh: N.C
|
* Vụ việc
Năm 2002, Công ty Lam Sơn xin UBND tỉnh giao thêm một phần diện tích đất gần khuôn viên của công ty (KV8, Nhơn Phú, Quy Nhơn) để mở rộng phân xưởng sản xuất. Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, sau đó không lâu Công ty Lam Sơn phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định trên phần diện tích đất gần 9.300m2.
Sau khi giải phóng mặt bằng xong, năm 2003 Công ty Lam Sơn chuẩn bị triển khai dự án trên khu đất mới thì gặp khó khăn về vốn nên tạm dừng. Năm 2005, do Công ty Lam Sơn chưa có nhu cầu sử dụng đất nên UBND tỉnh giao một phần diện tích đất (khoảng 7.900m2) từ khu đất gần 9.300m2 thuộc dự án mở rộng phân xưởng sản xuất của Công ty Lam Sơn cho Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (nay là Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ). Do một phần diện tích trên đã được Công ty Lam Sơn bồi thường để giải phóng mặt bằng nên bên cạnh quyết định giao đất, UBND tỉnh cũng yêu cầu Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ hoàn trả lại kinh phí giải phóng mặt bằng với số tiền hơn 304 triệu đồng cho Công ty Lam Sơn.
Năm 2009, khi hoạt động kinh doanh phát triển tốt, Công ty Lam Sơn xin UBND tỉnh chấp thuận cho công ty nối lại dự án mở rộng phân xưởng sản xuất đã tạm hoãn trước đó. Nhưng khác với trước, do phần đất còn lại hẹp (còn lại gần 1.400m2 sau khi giao cho Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ 7.900m2) nên Công ty Lam Sơn chỉ xin xây dựng văn phòng giới thiệu sản phẩm, nhà ăn và nhà nghỉ ca cho công nhân. Tuy nhiên, ngay sau khi Công ty Lam Sơn có văn bản xin nối lại dự án mở rộng phân xưởng sản xuất, thì ông Nguyễn Xuân Tịnh - Giám đốc Công ty TNHH XD Thăng Long - cũng tiến hành xây tường rào, cổng ngõ bao bọc khu đất diện tích hàng trăm mét vuông có mặt tiền tiếp giáp quốc lộ 1D thuộc phần diện tích đất gần 1.400m2 Công ty Lam Sơn đã bồi thường giải phóng mặt bằng trước đó.
* Chủ quyền thuộc về ai?
Vụ việc đã được Công ty Lam Sơn báo với các cơ quan chức năng. Qua đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản về hành vi xây dựng trái phép của ông Tịnh, đồng thời buộc ông Tịnh tháo dỡ phần xây dựng trái phép trên. Tuy nhiên, ông Tịnh không chấp hành. Không chỉ vậy, ông Tịnh còn lấy danh nghĩa doanh nghiệp của mình là Công ty TNHH XD Thăng Long, gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng trong tỉnh, cho rằng phần diện tích 245m2 đất tiếp giáp quốc lộ 1D nằm trong phần diện tích thuộc dự án mở rộng phân xưởng sản xuất của Công ty Lam Sơn là do đơn vị ông mua của ông Nguyễn Ơi vào tháng 6.2004.
Nội dung đơn khiếu nại do ông Tịnh đại diện Công ty TNHH XD Thăng Long ký gửi đến các cơ quan chức năng là vậy, nhưng trao đổi với chúng tôi vào sáng ngày 7.1 vừa qua, ông Tịnh lại nói hoàn toàn khác. Ông Tịnh phân bua: “Năm 1993 hay năm 1994 gì đó (đơn khiếu nại ông ghi mua năm 2004), tôi mua lô đất có diện tích 270m2 (đơn khiếu nại ông ghi 245m2 - PV) của ông Nguyễn Ơi, giấy mua bán viết tay không có xác nhận của UBND phường. Từ đó tôi liên tục sử dụng lô đất này cho đến nay!?”.
Trong khi ông Tịnh giải thích về lô đất ông đã sang nhượng của ông Nguyễn Ơi theo kiểu “tiền hậu bất nhất” thì hồ sơ bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng được xác lập giữa Công ty Lam Sơn và ông Nguyễn Ơi rất hợp pháp và đầy đủ cơ sở pháp lý. Cụ thể, ngày 12.9.2003, ông Ơi đã ký nhận 14,614 triệu đồng (12,614 triệu đồng tiền bồi thường đất nông nghiệp, 2 triệu đồng tiền hỗ trợ hai vụ lúa và phí đào tạo nghề ngắn hạn) của Công ty Lam Sơn. Giấy giao nhận tiền giữa hai bên có xác nhận của UBND phường Nhơn Phú.
Tại các biên bản được lập về hành vi xây dựng trái phép của ông Tịnh, nội dung biên bản đều ghi rõ hành vi vi phạm là xây dựng tường rào không có giấy phép trên phần đất đã giao cho Công ty Lam Sơn. Ngoài ra, tại biên bản kiểm tra thực tế của đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị TP. Quy Nhơn, cán bộ địa chính UBND phường Nhơn Phú vào ngày 13.11.2009 và biên bản kiểm tra mới đây nhất vào ngày 7.1.2010 của Sở Tài nguyên- Môi trường đều khẳng định, phần đất ông Tịnh rào chắn, xây tường rào cổng ngõ là phần đất đã được giao cho Công ty Lam Sơn.
Từ những cơ sở trên cho thấy, chủ quyền hợp pháp phần đất tranh chấp giữa Công ty Lam Sơn và ông Nguyễn Xuân Tịnh đã quá rõ ràng. Hy vọng rằng các cơ quan chức năng sớm có quyết định cuối cùng về việc xử lý vụ tranh chấp đất trên để bảo vệ lợi ích chính đáng cho chủ quyền hợp pháp.
Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy - Giám đốc Công ty Lam Sơn: “Khi phát hiện ông Tịnh xây dựng tường rào, cổng ngõ trên phần đất đã được cơ quan chức năng giao cho Công ty Lam Sơn, chúng tôi chủ động mời ông Tịnh đến Văn phòng công ty thông báo rằng ông ấy đã xây dựng trái phép và yêu cầu nhanh chóng tháo dỡ, trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì ông Tịnh vẫn cố tình phớt lờ, vô cớ cho rằng phần đất trên là đất của ông ta, rồi tiếp tục xây dựng trái phép và phớt lờ yêu cầu buộc tháo dỡ của các cơ quan chức năng”. |
|