Thời gian gần đây, các cấp cơ sở Đoàn trong tỉnh thường xuyên nhận được điện thoại đề nghị mua các loại sách có nội dung liên quan đến công tác Đoàn do NXB Lao Động ấn hành.
|
Những quyển sách được các “nhân viên tiếp thị” chào bán tại các cơ sở Đoàn.
|
Thực tế, các loại sách trên tổng hợp các văn bản, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác thanh niên và sưu tầm các mục thông tin cán bộ Đoàn, sổ tay công tác thanh niên, kỹ năng sinh hoạt Đoàn… Sách đề rõ nguồn tư liệu lấy từ mạng doanthanhnien.org.vn; thanhdoan.hochiminh.gov.vn… Các “tác giả”, “chủ biên” chỉ có nhiệm vụ sưu tập rồi tập hợp thành sách. Thời đại công nghệ, chỉ cần click chuột, mọi thông tin mà sách in ấn đều được mạng tìm kiếm Google cung cấp đầy đủ.
Các loại sách kiểu “tổng hợp” như trên hiện được nhiều công ty mạo danh NXB in sách khi chưa được cấp phép hoặc bản thảo chưa được biên tập, đọc duyệt mà đã vội tung sản phẩm ra thị trường, đang trở nên khá phổ biến. Điều chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này không phải là chất lượng bài vở cũng như in ấn của sách mà là cách phát hành sách.
Những cuốn sách trên do Trung tâm giới thiệu sách Thành Phát (14 đường G8, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) đảm nhận. Từ đầu tháng 10.2009 đến nay, các cấp cơ sở Đoàn liên tục nhận được bưu phẩm gởi bảo đảm gồm các cuốn sách về Đoàn do NXB Lao Động phát hành kèm theo giấy thanh toán hóa đơn đỏ của Trung tâm giới thiệu sách Thành Phát.
Những ngày qua, các bí thư cơ sở Đoàn liên tục được nhân viên có số điện thoại 0934.144.055 gọi đến đề nghị thanh toán tiền sách với lời nhắn nhủ sách này do cấp trên đề nghị mua. Nếu các Đoàn trực thuộc Tỉnh Đoàn thì nhân viên ấy nêu rõ tên, chức vị của các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh đoàn, nếu các cấp cơ sở Đoàn thuộc các Đoàn trực thuộc thì nêu tên, chức vụ của bí thư hoặc phó bí thư Đoàn trực thuộc đề nghị mua sách. Không biết từ nguồn tin nào, nhân viên này nắm rõ lịch hoạt động của các cán bộ Đoàn “cấp trên” để “nẹt” các cán bộ đoàn cơ sở.
Khi được “mời”, thấy giá sách quá cao, mỗi cuốn sách đều dày gần 1.000 trang với giá bìa là 295 ngàn đồng/cuốn, nhiều cơ sở Đoàn vì nể “cấp trên” nên đã phải xin phép cơ quan, công ty hỗ trợ tiền mua sách. Nhiều bí thư, phó bí thư đoàn cơ sở tâm sự rằng, để cho khỏi bị những người bán sách đến làm phiền (vì họ đeo bám rất “khủng”) đành “nhắm mắt đưa chân” để mua, dù sách ít có nhu cầu sử dụng.
Hiện nay, Tỉnh Đoàn cũng như các Đoàn trực thuộc đều không có chủ trương bán sách để tuyên truyền theo hình thức này. Rõ ràng, đây là một “bài” lừa khá cũ song nhiều cơ sở Đoàn vẫn bị mắc mưu. Việc chấn chỉnh lại hoạt động xuất bản một lần nữa được đặt ra, đồng thời tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo trước chiêu thức lừa đảo trong hoạt động phát hành, cũng như đặt ra cho các cơ quan chức năng những việc cần phải làm để lành mạnh hóa công tác xuất bản và phát hành vốn đã không thiếu sự phức tạp.
|