Ở đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn, có một công trình mang ý nghĩa lịch sử, mà tôi tạm gọi là khu di tích “Bến tàu tập kết”. Nơi đây, vào năm 1955, đã có hơn 700 ngàn người gồm bộ đội, nhân dân, cán bộ quân dân chính… xuống tàu tập kết ra miền Bắc.
|
Khu di tích “Bến tàu tập kết”. Ảnh: Phi Khanh
|
Công trình hoàn thành đã lâu, trên khuôn viên khoảng 500m2, được tạo hình một con thuyền có tượng Bác Hồ, cờ búa liềm với điệp trùng đoàn quân cứu nước. Nhưng thật đáng tiếc, cả khu di tích không có một chiếc ghế đá để người đi dạo ngồi nghỉ chân, để ngắm công trình và cảnh quan trước biển. Bên cạnh đó cũng không một bóng đèn nên về đêm ở đây tối tăm u tịch, đã vậy hai bên công trình lại bị các nhà cao tầng che khuất…
Đáng buồn hơn, đến nay công trình này vẫn chưa có tên, chưa có một bản tóm tắt ghi lại ý nghĩa lịch sử của cửa biển làm nhiệm vụ cho cả miền Trung, Tây Nguyên. Lẽ ra tại công trình này phải ghi rõ ngày, giờ, bao nhiêu người xuống tàu ra Bắc. Theo tôi, đây là một công trình cấp quốc gia, không thể chỉ làm ra mà ít ai biết ý nghĩa của nó.
Qua phản ảnh này tôi rất mong lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng nghiên cứu tiếp tục làm đầy đủ hơn đối với công trình “Bến tàu tập kết”. Không thể để một công trình có ý nghĩa lịch sử lớn lao như vậy lại đứng âm thầm và không có tên, để mọi người khi đi qua cứ ngơ ngác hỏi nhau “Cái gì đây?”.
|