Theo quy định dán tem quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (CR), từ ngày 15.9.2010, 6 loại thiết bị điện, điện tử (dụng cụ điện đun nước nóng tức thời; dụng cụ điện đun nóng và chứa nước nóng; máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc khác; ấm đun nước điện; nồi cơm điện; quạt điện) và các loại đồ chơi trẻ em bắt buộc phải có tem CR mới được lưu hành trên thị trường. Thế nhưng, đến nay quy định nói trên vẫn chưa được thực hiện tới nơi tới chốn.
|
Tem CR photocopy dán trên sản phẩm nồi cơm điện.
|
Thực ra, Quy định dán tem CR đã có hiệu lực kể từ tháng 9.2009, nhưng để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nên được gia hạn đến ngày 1.6.2010 và sau đó gia hạn tiếp đến ngày 15.9.2010. Lẽ ra, qua 3 lần gia hạn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ nghiêm túc chấp hành. Thế nhưng đến nay, thực tế trên thị trường vẫn còn nhiều điểm mua bán các thiết bị điện, điện tử, đồ chơi trẻ em chưa chấp hành nghiêm túc việc dán tem CR. Nhiều sản phẩm không có tem CR được bày bán công khai trên thị trường. Một chủ cửa hàng trên đường Phan Bội Châu (TP. Quy Nhơn) cho biết, do các loại nồi cơm điện, quạt điện ở đây nhập về trước thời hạn quy định nên chưa được dán tem. Khi nào đại lý phân phối tại TP. Hồ Chí Minh gửi tem ra sẽ dán sau. Còn chủ cửa hàng X.C., kinh doanh các thiết bị điện trên đường 3 tháng 2 (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) khẳng định, tất cả các sản phẩm được bán ở đây đều đã có tem CR. Nhưng theo quan sát, cửa hàng này còn khá nhiều quạt điện, ấm đun nước điện chưa dán tem.
Các loại đồ chơi trẻ em là mặt hàng “nhạy cảm”, nhưng việc dán tem quy chuẩn quốc gia còn nhiều bất cập; nhiều sản phẩm chưa có tem CR còn trôi nổi trên thị trường. Đa phần trong số đó là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, độ an toàn của chúng tới đâu vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Thêm vào đó, nhiều người bán hàng chỉ quan tâm tới lợi nhuận, bỏ qua sự an toàn của đối tượng sử dụng. Đa số các tiệm tạp hóa buôn bán nhỏ; đặc biệt là các điểm bán đồ chơi trẻ em ở vỉa hè đều bán các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, còn tem CR thì lại càng xa vời.
Ông Lê Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh cho biết: “Đồ chơi trẻ em là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe các em nên việc kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn chất lượng là rất cần thiết. Tuy nhiên, do các mặt hàng này đa dạng về chủng loại, kích cỡ nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các loại được nhập qua đường tiểu ngạch lại càng khó khăn hơn”.
Một số mặt hàng bán trên thị trường đã dán tem CR nhưng vẫn tạo cảm giác bất an và băn khoăn cho người tiêu dùng. Bởi hiện trên thị trường có khá nhiều loại tem, từ có màu đến không có màu và thậm chí là tem photocopy được dán trên sản phẩm các thiết bị điện, điện tử, đồ chơi trẻ em. Theo quy định, sản phẩm có tem CR tức là sản phẩm đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, 2, 3 chứng nhận phù hợp chất lượng. Tem thật được thiết kế nền vàng theo dạng 3 chiều để phân biệt thật giả dưới các góc nhìn 3 chiều. Vậy, sản phẩm được dán các loại tem nói trên có thật sự đạt tiêu chuẩn kỹ thuật hay việc làm này chỉ với mục đích đối phó? Đây là câu hỏi mà các cơ quan chức năng cần giải thích rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm và được an toàn khi chọn mua sản phẩm.
Theo khoản 1, điều 16, mục 2, chương II Nghị định 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng: a) Không thực hiện công bố hợp quy khi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa; b) Không đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký kinh doanh; c) Không gắn dấu hợp quy theo quy định khi đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường; d) Không lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy đúng quy định…”. |
|