Núi Bà đang bị tận thu
22:2', 19/10/ 2010 (GMT+7)

Nhiều năm nay, người dân khắp nơi đổ xô về khu vực Núi Bà (thuộc địa phận huyện Phù Cát) để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây. Những hoạt động này đe dọa trực tiếp đến cảnh quan môi trường, đời sống người dân và cả dấu tích của một vùng căn cứ cách mạng.

 

Các nhà thầu đá xây dựng cho xẻ Núi Bà để làm đường vận chuyển đất, đá.

 

* Xẻ núi để lấy đất, đá, cây rừng...

Thời gian gần đây, xã Cát Tiến “nóng” lên với tình trạng khai thác đất, sỏi trái phép. Một số công ty xây dựng vô tư đưa máy xúc, máy ủi vào đào bới Núi Bà để lấy đất, sỏi phục vụ việc thi công công trình xây dựng đê Chánh Đạt; nâng cấp mặt bằng khu tái định cư thôn Trung Lương và thôn Phương Phi.

Cùng với đó, tình trạng khai thác đá trái phép vẫn liên tục diễn ra với nhiều mức độ khác nhau. Những tảng đá lớn ở lưng chừng Núi Bà trải dài từ thôn Phương Phi qua thôn Phương Thái hiện đã biến mất. Gần bảng đề di tích lịch sử hang Đá Chẹt nhiều tảng đá lớn cũng không còn.

Theo thống kê của Công an huyện Phù Cát, khu vực Núi Bà có 22 cơ sở sản xuất, khai thác đá trái phép. Nhiều chủ thầu bỏ tiền làm đường để ô tô dễ dàng vào vận chuyển đá chẻ. Do đó, dọc theo chân núi từ xóm Lũy (thôn Phương Thái) đến khu du lịch Cánh Tiên (thôn Phương Phi), vách núi bị xáo trộn, lớp thực bì bị phá vỡ; màu xanh cây rừng và đá núi tự nhiên ở dọc chân Núi Bà nhiều chỗ đã biến mất, chỉ còn những hố đất sâu nham nhở.

 

Máy xúc đang đào đất ở khu vực Núi Bà.

 

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng thôn Phương Thái, cho biết: “Hiện Núi Bà đang bị con người tàn phá không thương tiếc. Nhân dân bức xúc, đã phản ảnh lên chính quyền, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhưng vẫn chưa có chuyển biến”.

Không chỉ việc khai thác đất, đá, mà tình trạng đào bới, săn tìm cây cảnh hiện cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, tài nguyên Núi Bà. Mỗi ngày có hàng trăm người đến đây để săn lùng cây cảnh. Các loại cây sanh, lộc vừng, bằng lăng, tràm, me… đều bị “đào tận gốc bốc tận rễ”.

Đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát đã bắt trên 10 trường hợp vận chuyển cây cảnh trái phép. Đặc biệt, trên vùng núi thuộc địa bàn xã Cát Hải, lực lượng kiểm lâm đã bắt giữ, cho tiêu hủy một cây trắc và một cây lộc vừng hàng trăm năm tuổi. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều “cụ cây” bị chết oan dưới bàn tay của con người.

* Cần sự phối hợp đồng bộ, kiên quyết

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương của huyện Phù Cát tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và quần thể di tích lịch sử Núi Bà. Tuy vậy, do cách xử lý thiếu kiên quyết, không triệt để và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, nên hiệu quả của việc làm này chưa cao.

 

Những cây rừng cỡ nhỏ cũng bị khai thác để làm cây cảnh.

 

Ông Đặng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho biết: Khi phát hiện các trường hợp đào trộm cây cảnh, xã chỉ có thể tạm giữ chứ không đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nên rất khó răn đe các đối tượng. Trạm Kiểm lâm đặt trên địa bàn xã chưa có sự phối hợp đồng bộ với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, xử phạt các đối tượng vi phạm. Theo ông Hà: “Ở góc độ địa phương, chúng tôi đề xuất Trạm Kiểm lâm phối hợp để kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng đào trộm cây cảnh, nhưng vẫn chưa nhận được sự hợp tác tích cực từ phía Trạm”.

Núi Bà có diện tích khoảng 40km2, nằm trọn trên địa phận huyện Phù Cát với quần thể núi gồm 66 đỉnh. Với 80 di tích được chia thành 29 khu vực, Núi Bà đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2005.

Liên quan đến vấn đề khai thác đất, sỏi trái phép, ngày 4.10.2010, đoàn công tác của UBND huyện Phù Cát đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ 3 xe tải và 2 máy xúc đối với 2 đơn vị và 2 cá nhân đang thực hiện hành vi khai thác trái phép. Ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Sự chậm trễ trong việc phát hiện hành vi khai thác đất trái phép là do địa phương không báo; đồng thời, đây cũng là thiếu sót của huyện trong kiểm tra, giám sát. Huyện đang chờ đoàn công tác đề xuất, sau đó sẽ có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật”.

Hiện nay, huyện thường xuyên tổ chức tổ công tác kiểm tra đột xuất để phát hiện và ngăn chặn các đối tượng khai thác đá, đào trộm cây cảnh. Tuy nhiên, các đối tượng thường đối phó bằng cách tẩu tán tang vật, “bỏ của chạy lấy người”, nên khó khăn trong việc xử lý. Huyện cũng đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác lâm sản.

Bên cạnh những biện pháp trên, các cơ quan chức năng của tỉnh nên sớm có quy hoạch vùng khai thác khoáng sản, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác đất, đá tràn lan như hiện nay.

  • Văn Lực- Lê Xuân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (15/10/2010)
Đường mới làm xong đã sụt nứt  (15/10/2010)
Hơn 150 hộ dân ở xã Nhơn Hạnh được cấp điện trở lại  (15/10/2010)
Trưởng Trạm Y tế khiếu nại kết luận thanh tra  (15/10/2010)
Người dân khổ sở vì mất điện kéo dài  (08/10/2010)
Tràn lan sim siêu rẻ, siêu khuyến mãi   (07/10/2010)
Quán Internet “bao vây” trường học  (06/10/2010)
3 lần gia hạn vẫn chưa thực hiện triệt để  (02/10/2010)
Cần xử lý dứt điểm  (29/09/2010)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (24/09/2010)
Nỗi lo sạt lở mùa mưa bão  (24/09/2010)
Mang niềm vui Tết Trung thu đến trẻ nghèo  (24/09/2010)
Cần xử lý chất thải nguy hại đúng quy định  (22/09/2010)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (17/09/2010)
Báo đã phản ánh đúng  (17/09/2010)