Mặc dù Ban Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCBL-TKCN) các cấp luôn đề cao trách nhiệm trong công tác TKCN giúp dân trong mùa mưa lũ, bảo vệ tài sản nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế, hiệu quả của công tác TKCN vẫn còn một số hạn chế nhất định.
|
Bờ tràn đi qua xã Phước Thuận (Tuy Phước) rất nguy hiểm trong những ngày mưa lũ, nhưng không có lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ.
|
Trong phương án PCLB-TKCN của các địa phương trong tỉnh đều nêu đầy đủ các giải pháp thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, có việc thành lập các đội thanh niên xung kích, tổ xung kích PCLB từ xã đến thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, khi gặp sự cố, có nơi, lực lượng này hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Điển hình là các hệ thống bờ tràn trên các tuyến tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn cứ vào mùa mưa lũ là nước ngập, có đoạn ngập sâu, nước chảy xiết. Tuy nhiên, do các biển báo đã đổ ngã từ lâu mà không được kiểm tra, dựng lại, nên nhiều người đi đường không biết nông sâu, vẫn cứ lội qua. Điều này dẫn đến việc có nhiều người khi đi qua tràn đã bị nước lũ cuốn trôi.
Mùa lũ năm 2008, cũng bởi lội qua tràn mà có đến 4 người dân (trong đó 3 người dân xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước và 1 người dân ở xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn) bị lũ cuốn trôi, chết đuối; 1 cháu bé cũng bị nước cuốn trôi cùng người chị nhưng may mắn thoát chết. Mùa lũ năm 2009, các đoạn đường tràn liên xã Phước Hòa- Phước Thắng đi Cát Chánh (huyện Phù Cát) cũng “nuốt chửng” nhiều xe máy, may là chưa có thiệt hại về người; người dân địa phương đã cứu kịp thời 2 sinh viên và 1 công nhân đi làm về bị lũ cuốn trôi khi đi qua bờ tràn.
Mới đây, trên đoạn bờ tràn gần Trường THCS Phước Thắng, lúc 6 giờ ngày 6.11, anh Đỗ Xuân Đăng (SN 1977, ở thôn Liêm Lợi, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn) đi xe máy chở sau vợ là chị Đặng Thị Ngọc Loan (SN 1976) xuống TP Quy Nhơn. Khi xe vượt đoạn đường tràn này, cả người lẫn xe bị nước cuốn trôi. Anh Đăng đã bỏ xe, kéo chị Loan lội ngược vào bờ thoát nạn; sau đó, thuê người lặn tìm xe máy. Sau khi sự việc này xảy ra, UBND xã mới cho rào chắn đoạn bờ tràn và cử người canh gác.
Không may mắn như anh Đăng, đợt lũ từ ngày 8-9.11, ngay khi nước lũ đang dâng cao, ông Võ Ngọc Hoàng (69 tuổi, ở thôn Nhơn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn) đã lội qua tràn Bến Trén ở địa phương; ông Nguyễn Tính (32 tuổi, ở thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn) lội qua tràn Cầu Cháy nước ngập sâu chảy xiết. Hệ quả là cả hai ông đều bị lũ cuốn thiệt mạng. Tại nơi xảy ra 2 vụ chết đuối nói trên đều không có lực lượng PCLB-TKCN tại chỗ.
Không những lội tràn bị nước lũ cuốn trôi, ngay cả những người chống sõng đưa đò qua tràn cũng chủ quan không kém. Năm 2008, 1 cô gái ở Gia Lai thuê đò từ xã Cát Chánh về xã Phước Hòa, chủ đò mới chống qua tràn gần cây xăng Hợp tác xã nông nghiệp Cát Chánh thì đò bị lật. Chủ đò cố gắng bơi giữa dòng nước lũ chảy xiết để cứu cô gái, nhưng rồi kiệt sức, đành để cô gái kia chìm dần trong nước.
Từ đầu mùa lũ đến nay, nếu ai đi vòng đến các bến đò tràn Kim Xuyên (xã Phước Hòa), cầu Đập Chùa xã Cát Chánh đến xã Cát Tiến không mấy người đưa đò quan tâm đến áo phao. Họ chỉ để áo phao trên ghe, sõng để lấy lệ và số áo phao trang bị cho mỗi phương tiện cũng không đủ cho người đi đò. Còn bà con sống ven vùng sông nước thường đi lại mùa lũ thì xem việc mặc áo phao là… vướng víu, bởi ai cũng cho rằng mình biết bơi, mặc áo phao làm gì…
Những hành vi không an toàn khi tham gia giao thông đường thủy như vậy đều không được lực lượng PCLB-TKCN chuyên trách có mặt để nhắc nhở, thậm chí có thể cấm không cho giao thông khi chưa đủ điều kiện an toàn.
Thành lập các đội cứu hộ chuyên nghiệp trong mùa mưa lũ (có chế độ phụ cấp) để ứng trực tại các điểm thương xảy ra tai nạn đường thủy, các bến đò ngang suốt mùa lũ là cần thiết. Ngoài ra, lực lượng này còn có thể cơ động giúp dân những vùng cần cứu giúp khẩn cấp trong mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Đặc biệt, nên đặt các biển cảnh báo nguy hiểm bằng phản quang tại các đoạn đường có bờ tràn, vùng ngập sâu để cảnh báo cho mọi người đi đường biết.
|