Vừa qua, Báo Bình Định đã nhận được một số ý kiến phản ảnh việc sửa chữa, nâng cấp Trạm Y tế phường Đống Đa có nhiều khuất tất, không đảm bảo chất lượng công trình. Chúng tôi đã tìm hiểu và ghi nhận một số thông tin liên quan đến quá trình thi công công trình này.
|
Trạm Y tế đã đưa vào sử dụng nhưng cán bộ và người dân không yên tâm về chất lượng công trình.
|
* Thiết kế một đằng, làm một nẻo
Ngày 12.6.2009, UBND TP Quy Nhơn đã có Quyết định số 1584/QĐ – CTUBND phê duyệt công trình nâng cấp Trạm Y tế phường Đống Đa. Theo đó, sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp khối nhà chính và nâng cấp, lát gạch blốc sân Trạm Y tế với tổng kinh phí đầu tư hơn 572 triệu đồng. Công trình do UBND phường Đống Đa làm chủ đầu tư, Công ty TNHH xây dựng Đồng Lợi là đơn vị thi công. Theo thỏa thuận, ngày 11.9.2009, công trình khởi công xây dựng, đúng 4 tháng sau (ngày 10.1.2010) sẽ chính thức hoàn thành. Thế nhưng, mãi đến ngày 10.2.2010 (vượt quá 30 ngày) công trình mới được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Theo ông Trà Văn Trinh, Trưởng Trạm Y tế phường Đống Đa: “Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đã làm sai so với thiết kế ban đầu. Trạm Y tế nhiều lần phản đối nên phải thông qua nhiều cuộc họp để giải quyết và đơn vị thi công tự ý bỏ công trình nên mới có sự chậm trễ trên”.
Theo thiết kế ban đầu, nền móng các phòng làm việc sẽ được sử dụng cát vàng, bê tông và đá 4x6 để đắp đệm. Sử dụng cát đen, hạt mịn để đắp đệm nền móng sân trạm với độ dày 15cm. Dùng ống nhựa phi 60 để làm hệ thống dẫn nước thải, ốp tường bằng gạch Đồng Tâm Ceramic 200mm x 250mm. Thế nhưng, thực tế thi công hoàn toàn trái ngược với thiết kế ban đầu. Cụ thể, Công ty TNHH xây dựng Đồng Lợi đã sử dụng toàn bộ xà bần để nâng nền móng, đắp đệm các phòng làm việc và sân Trạm Y tế. Sử dụng ống nhựa phi 34 để làm hệ thống dẫn nước thải, khi Trạm Y tế kịch liệt phản đối bên thi công mới thay lại đúng ống nhựa phi 60. Ngoài ra, đơn vị thi công còn dùng gạch ốp tường không đúng với loại gạch trong dự toán thiết kế, mặt tường phía sau của các phòng làm việc cũng không được ốp gạch (theo thiết kế, mặt tường phía sau sẽ ốp gạch như phía trước).
* Liệu có đảm bảo chất lượng?
Trong các đơn kiến nghị của một số người dân và cán bộ ở phường Đống Đa mà Báo Bình Định nhận được, đều tỏ thái độ bức xúc và thắc mắc với cách làm “treo đầu dê bán thịt chó” của đơn vị thi công. Bà Ngô Thị Thúy Hồng (trú tổ 28, KV 6, phường Đống Đa) nói: “Sử dụng xà bần đưa vào công trình nâng cấp các phòng làm việc và sân Trạm Y tế có đảm bảo chất lượng công trình về lâu về dài để phục vụ sức khỏe cho nhân dân?” Theo những người làm ngành y, thì việc sử dụng gạch men ốp tường kém phẩm chất, miếng dinh ra, miếng gập vô, vừa mất mỹ quan, lại tạo điều kiện cho vi trùng bám vào, khó lau rửa tẩy trùng.
Ông Trà Văn Trinh cho biết: “Khi phát hiện đơn vị thi công làm không đúng với thiết kế ban đầu, Trạm Y tế đã nhiều lần phản đối nhưng Ban quản lý công trình nói: vẫn đảm bảo kỹ thuật(!) Cán bộ, nhân viên của Trạm không rõ về chuyên môn xây dựng, nên sau đó đã đồng ý”. Ông Trinh cũng cho biết thêm, ngày 10.2.2010, UBND phường buộc Trạm Y tế phải đưa vào sử dụng, Trạm đành ký vào biên bản bàn giao, kèm với nội dung “công trình không đảm bảo chất lượng nhưng UBND phường đã chỉ đạo phải đưa Trạm Y tế vào sử dụng”.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Võ Thành Văn, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa, Trưởng Ban quản lý công trình, cho biết: “Tôi chỉ có trách nhiệm giám sát, quản lý công trình, còn việc thay đổi vật liệu trong khi xây dựng so với thiết kế ban đầu tôi không có thẩm quyền quyết định, đó là quyết định của đồng chí Chủ tịch phường”. Bà Ngô Thị Bích Nga, Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Theo dự toán ban đầu, công trình sẽ sử dụng gạch màu trắng để ốp tường nhưng Trạm Y tế yêu cầu đổi lại, sau đó trạm cùng với đơn vị thi công đi chọn loại gạch như hiện nay (gạch Ceramic màu xanh – PV)”. Còn việc sử dụng xà bần để nâng nền móng các phòng làm việc và sân trạm, theo bà Nga, thì: “Đơn vị thi công khẳng định làm như vậy vẫn đảm bảo chất lượng, nếu xuống cấp, hư hỏng họ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc sửa chữa lại (trong thời gian bảo hành 1 năm?! - PV). Khi thanh toán tiền, sẽ tính giá theo thực tế xây dựng chứ không theo như dự toán thiết kế ban đầu”. Cũng theo bà Nga, khi Trạm Y tế cho rằng công trình không đảm bảo chất lượng, UBND phường đã có văn bản gửi UBND TP Quy Nhơn để thành phố cử cán bộ đến thẩm tra lại chất lượng.
Việc nâng cấp, sửa chữa lại Trạm Y tế phường Đống Đa nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân trong khu vực là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều người dân trong phường phấn khởi và ủng hộ. Thế nhưng, trong quá trình xây dựng có nhiều khuất tất, khiến người dân thắc mắc về chất lượng công trình. Mong rằng, cơ quan chức năng sớm tiến hành kiểm tra, thẩm định lại chất lượng, có kết luận chính thức về việc tự ý thay đổi vật liệu theo thiết kế.
|