Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên huyện Phù Mỹ (thôn Dương Liễu Đông, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) được đầu tư, xây dựng khá khang trang. Thế nhưng, từ khi đưa vào sử dụng (năm 2008) cho đến nay, Trung tâm chưa có một hoạt động nào dành cho thanh thiếu niên.
|
Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên Phù Mỹ xây dựng xong nhưng không tổ chức hoạt động.
|
Năm 2008, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên huyện Phù Mỹ được UBND huyện bàn giao lại cho UBND thị trấn Bình Dương tiếp quản, đưa vào sử dụng; với mục đích làđể tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ thanh thiếu niên trên địa bàn thị trấn Bình Dương nói riêng, huyện Phù Mỹ nói chung. Nhưng từ đó đến nay, Trung tâm chưa hề tổ chức một hoạt động chính thức nào để phục vụ cho các đối tượng nói trên, ngoài những lúc có đoàn văn nghệ tới thuê mặt bằng để biểu diễn ca nhạc.
Một người dân sống gần đây, cho biết: “Mang tiếng là trung tâm để thanh thiếu niên vui chơi nhưng tôi thấy không có hoạt động gì cả. Vào ban đêm, một số thanh niên lại tập trung tại đây để ăn chơi, quậy phá, đốt lửa gây khó chịu cho nhiều người. Xây dựng to lớn như vậy mà bỏ hoang thì phí quá”.
Chiều ngày 1.3, chúng tôi tới Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên huyện Phù Mỹ để “mục sở thị” công trình bị lãng phí này. Một khu đất rộng khoảng 5.000m2 với khu nhà được xây dựng rộng rãi, khang trang nhưng lại “vắng tanh như chùa bà đanh”. Vào sâu bên trong cũng không có lấy một bóng người, tất cả các phòng làm việc trong tình trạng “cửa đóng then cài”, chỉ có một vài bộ quần áo đang phơi nhưng tìm mãi không thấy chủ nhân.
Điều khiến chúng tôi thắc mắc là cạnh khu nhà chính của Trung tâm có một khu nhà khác với dòng chữ ghi phía trước: “Công ty TNHH Thuận Thiên”. Tìm gặp ông Nguyễn Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Dương thì được giải thích: “Năm 2009, do nhu cầu về kinh phí nên Đảng ủy, UBND thị trấn đã “linh động” cho Công ty TNHH Thuận Thiên thuê một phần diện tích (trong vòng 3 năm - PV) để xây dựng cơ sở sản xuất nước đá. Sau khi nhân dân phản ứng, chúng tôi đã bàn bạc với Công ty Thuận Thiên, thống nhất bồi hoàn lại cho Công ty số tiền xây dựng nhà xưởng hơn 40 triệu đồng. Đổi lại, Công ty sẽ nhượng khu nhà đã xây dựng lại cho UBND thị trấn sử dụng”.
Theo ông Miên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chết cứng” của Trung tâm là do gặp khó khăn trong việc tập hợp thanh thiếu niên để tổ chức hoạt động. Mặt khác, vấn đề kinh phí cũng là một bài toán hết sức hóc búa. “Hàng năm, Đoàn Thanh niên của thị trấn chỉ được cấp 2 triệu đồng để hoạt động. Do đó, không biết lấy tiền đâu ra để tổ chức chương trình”- ông Miên nói.
Cũng theo ông Miên, thị trấn đang tìm đối tác là các võ sư, huấn luyện viên võ thuật để mở lớp dạy võ tại trung tâm; thế nhưng, đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học nên tới nay vẫn chưa thể tiến hành.
Ông Phan Tiến Vinh, Bí thư Huyện Đoàn Phù Mỹ, cũng có chung quan điểm với lãnh đạo thị trấn Bình Dương. Theo ông Vinh: “Trung tâm mới chỉ có lớp vỏ bên ngoài, còn cơ sở vật chất bên trong thì chưa có gì nên rất khó tổ chức các hoạt động. Thêm vào đó, cán bộ Đoàn thị trấn lại liên tục thay đổi nên đến nay, vẫn chưa xây dựng được quy chế hoạt động cho Trung tâm. Chúng tôi đang phối hợp với các bên liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, để Trung tâm hoạt động có hiệu quả, đúng với mục đích ban đầu khi xây dựng”.
Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng của thị trấn Bình Dương và huyện Phù Mỹ sớm có biện pháp để làm “sống lại” Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên huyện Phù Mỹ. Việc làm này không chỉ chống lãng phí cho một công trình được đầu tư, xây dựng với số tiền lớn mà còn tạo ra điểm vui chơi, giải trí bổ ích cho thanh thiếu niên trên địa bàn huyện.
|