Sau khi lô hàng 36 chiếc dây đai massage bị tạm giữ, chủ hàng đã gửi hóa đơn, chứng từ đến cơ quan chức năng chứng minh lô hàng trên là hợp pháp.Tuy nhiên, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Định cho rằng, chứng từ chưa đủ cơ sở; vụ việc xảy ra đã gần 3 tháng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
|
Cán bộ Đội QLTT Số 7 chỉ ra điểm không trùng khớp giữa model trong tờ khai hải quan nhập khẩu và model in trên sản phẩm. Ảnh: A.T
|
Ngày 17.12.2009, Đội QLTT Số 7 (Chi cục QLTT Bình Định) đã kiểm tra và phát hiện một chiếc ôtô đi từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chở theo một số mặt hàng nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo, trong đó có 36 chiếc dây đai massage trị giá khoảng 54 triệu đồng của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại (ĐT-TM) Kim Phúc (trụ sở tại số 4/26, phố Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Đội QLTT Số 7 đã lập biên bản tạm giữ lô hàng trên.
Sau khi tạm giữ lô hàng, Đội QLTT Số 7 gửi thông báo yêu cầu chủ lô hàng là Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc đến làm việc và mang giấy tờ, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên. Nhận được thông báo, Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc đã nhiều lần cử đại diện đến Đội QLTT Số 7 làm việc và cung cấp giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng 36 chiếc dây đai massage đang bị tạm giữ. Ông Lê Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc, cho biết: “Mặc dù đường sá xa xôi, nhưng theo yêu cầu của Đội QLTT Số 7, chúng tôi đã nhiều lần cử người đến làm việc và cung cấp đầy đủ giấy tờ, hồ sơ xuất nhập khẩu, thuế và những chứng từ cần thiết khác nhằm chứng minh tính hợp pháp của lô hàng 36 chiếc dây đai massage. Nhưng trong biên bản làm gần đây nhất với Đội QLTT Số 7, ông Khả - Đội trưởng Đội QLTT Số 7 cố tình gây áp lực bắt đại diện Công ty chúng tôi ký vào biên bản với kết luận có đoạn “… hàng hóa trên là nhập lậu”.
Khác với nội dung trình bày của ông Lê Quốc Khánh, ông Mai Xuân Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Định cho rằng, toàn bộ hồ sơ, chứng từ về lô hàng 36 chiếc dây đai massage Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc gửi cho chúng tôi chưa thể chứng minh được đó là lô hàng hợp pháp. Cụ thể, ký hiệu model trong bộ hồ sơ khai báo hải quan nhập khẩu không khớp với model in trên sản phẩm. Ngoài ra, một điều không hợp lý nữa là lô hàng trên đã được Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc xuất hóa đơn bán cho một doanh nghiệp ở Hà Nội trước khi bị phát hiện 2 ngày, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì hàng lại được vận chuyển từ Hà Nội vào miền Nam. Hơn nữa, trong quá trình cử người đến làm việc, Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc đã cử nhiều người không đúng thẩm quyền và họ cũng không giải trình được những thắc mắc của cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc.
Ông Hoàng cho biết thêm: Theo quy định tại Thông tư số 12 giữa liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Công an, thì ngay sau khi kiểm tra, phát hiện lô hàng 36 chiếc dây đai massage Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, QLTT Bình Định có quyền ra quyết định xử phạt hành chính và tịch thu lô hàng trên. Tuy nhiên, Thông tư trên vẫn còn một số điểm bất cập, nên QLTT Bình Định đã xin ý kiến cấp trên và vừa được UBND tỉnh cho phép để Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc tiếp tục cung cấp chứng từ chứng minh lô hàng 36 chiếc dây đai massage là hợp pháp. Như vậy, theo quy định, nếu quá 2 tháng nữa mà chủ hàng vẫn chưa cung cấp được chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng thì QLTT Bình Định sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Còn việc ông Lê Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc cho rằng ông Khả - Đội trưởng Đội QLTT Số 7 cố tình gây áp lực bắt đại diện Công ty TNHH ĐT-TM Kim Phúc ký vào biên bản với kết luận có đoạn “…hàng hóa trên là nhập lậu” là không có cơ sở. Vì trong biên bản làm việc giữa đôi bên, quyền ký và trình bày của mỗi bên là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc được ai.
|