CÔNG TY CP BẢO HIỂM VIỄN ĐÔNG CHI NHÁNH BÌNH ĐỊNH:
Gần 2 năm vẫn chưa giải quyết hồ sơ yêu cầu bồi thường
14:45', 1/4/ 2010 (GMT+7)

Ngay sau khi xảy ra tai nạn giao thông gây chết người, chủ xe khách đã chi hàng chục triệu đồng để bồi thường cho gia đình bị hại và gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường về trách nhiệm dân sự đến Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông Chi nhánh Bình Định (gọi tắt là VASS Bình Định - đơn vị tham gia bảo hiểm cho chiếc xe gây tai nạn) đã gần 2 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết.

* Từ vụ tai nạn

Khoảng 15 giờ 50 phút ngày 10.7.2008, Nguyễn Hữu Phước điều khiển ô tô khách 46 chỗ ngồi (biển số 77H 5007), chạy trên tỉnh lộ 633, theo hướng từ xã Cát Khánh về xã Cát Tài (Phù Cát). Khi xe 77H 5007 chạy đến địa phận thuộc thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh thì gây tai nạn với mô tô biển số 77X1 3231 đi theo hướng ngược chiều, do anh Lê Văn Phương Hoài Linh (SN 1987, bộ đội thuộc Quân đoàn 3) điều khiển. Hậu quả làm anh Linh ngã xuống đường. Sau khi gây tai nạn, Phước cùng nhiều người đưa anh Linh đi cấp cứu, nhưng sau đó anh Linh đã chết trong lúc cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Ngày 24.9.2008, Cơ quan điều tra hình sự khu vực (Quân đoàn 3) đã có kết luận vụ tai nạn trên là vụ án Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng làm chết một người, hỏng nặng một xe mô tô. Nguyên nhân do Nguyễn Hữu Phước điều khiển ô tô 77H 5007 đi không đúng phần đường, lấn sang phần đường mô tô đi ngược chiều dẫn đến tai nạn làm cho Lê Văn Phương Hoài Linh chết. Đối với anh Linh, đã điều khiển mô tô trong tình trạng uống bia, không có giấy phép lái xe; quá trình điều khiển mô tô đã không làm chủ được tốc độ, nên khi thấy ô tô đi ngược chiều lấn sang phần đường của mình đã không giảm tốc độ đến mức không nguy hiểm và xe anh tông vào bên trái đầu xe ôtô, dẫn đến tai nạn. Vụ việc sau đó đã được Viện kiểm sát quân sự khu vực Quân đoàn 3 ra quyết định miễn truy tố.

* Và cách giải quyết khó hiểu của VASS Bình Định

Sau khi xe xảy ra tai nạn, anh Nguyễn Bá Sơn, chủ xe khách 77H 5007 đã bồi thường cho gia đình nạn nhân 35 triệu đồng, đồng thời tiến hành các thủ tục yêu cầu VASS Bình Định bồi thường trách nhiệm dân sự mà anh đã tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trước đó tại VASS Bình Định với mức 50 triệu đồng/người/vụ. Sau nhiều lần bổ sung, khoảng 3 tháng sau vụ tai nạn xảy ra, hồ sơ yêu cầu bồi thường anh Sơn gửi đến VASS Bình Định đã hoàn tất. Thế nhưng từ đó đến nay, rất nhiều lần anh Sơn trực tiếp đến VASS Bình Định yêu cầu giải quyết bồi thường, nhưng lần nào cũng nghe được một câu của người có trách nhiệm ở VASS Bình Định là “Từ từ rồi giải quyết”.

Anh Sơn bức xúc: “Hồ sơ yêu cầu bồi thường thì đã hoàn tất gần 2 năm rồi mà đến giờ họ vẫn không chịu giải quyết. Họ cũng chẳng từ chối, cũng chẳng nói là bồi thường, mà mỗi lần tôi yêu cầu giải quyết họ cứ bảo là… từ từ giải quyết!”.

Đối chiếu với 7 trường hợp loại trừ bảo hiểm được quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, ngày 16.9.2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư hướng dẫn nghị định trên của Bộ Tài chính, thì vụ việc xe khách mang biển số 77H-5007 do Nguyễn Hữu Phước điều khiển gây tai nạn làm chết người không thuộc các trường hợp bị loại trừ bảo hiểm theo quy định. Ngoài ra, Nghị định trên cũng quy định trường hợp từ chối bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản thông báo và nêu lý do từ chối bồi thường cho khách hàng trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Chúng tôi đã liên hệ với VASS Bình Định để tìm hiểu lý do chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ yêu cầu bồi thường trên, nhưng gần một tuần qua người có trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm này vẫn chưa có câu trả lời.

7 trường hợp bị loại trừ bảo hiểm theo quy định, gồm:

- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.

- Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

- Lái xe không có Giấy phép lái xe hợp lệ hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới đó.

- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

- Chiến tranh, khủng bố, động đất.

- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt, bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền; các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

  • Anh Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi lo từ cây mai dương  (26/03/2010)
Tăng cường bảo vệ tài sản  (19/03/2010)
Một người nghèo, bệnh tật bị cắt Bảo hiểm y tế  (17/03/2010)
Khởi kiện sau 2 tháng vẫn chưa được xem xét  (17/03/2010)
Lô hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng  (17/03/2010)
Ông Tịnh phải tháo dỡ công trình xây dựng bất hợp pháp  (13/03/2010)
Nuôi chó thả rông, hiểm họa khó lường  (10/03/2010)
Chủ hàng chưa chứng minh được lô hàng hợp pháp!  (08/03/2010)
Xây xong rồi… bỏ  (05/03/2010)
Khuất tất công trình nâng cấp Trạm Y tế phường Đống Đa  (03/03/2010)
Cần sớm di dời chợ Tháp Đôi cũ  (27/02/2010)
Cần rút kinh nghiệm giữ gìn an ninh trật tự tại chợ hoa Tết  (24/02/2010)
Báo đã phản ánh khách quan  (05/02/2010)
Về mức hưởng BHYT đối với cán bộ xã, phường đã nghỉ hưu   (03/02/2010)
Một công trình… không tên  (30/01/2010)