Trên trang 7 Báo Bình Định số ra ngày 5.5.2010 có đăng ý kiến bạn đọc “Khẩu hiệu gây phản cảm”. Sau khi số báo phát hành, Báo Bình Định nhận được Công văn số 46/PVHTT ngày 6.5.2010, của Phòng Văn hóa - Thông tin TP Quy Nhơn, về việc phản hồi bài báo.
|
Bandroll, tờ phướn tuyên truyền nội dung chính trị của Trung tâm VH-TT-DL TP. Quy Nhơn có quảng cáo logo BIERE LARUE.
|
Theo đó, Công văn 46/PVHTT cho rằng: “Tác giả đưa tít đề “Khẩu hiệu gây phản cảm” là không chính xác. Một là, về nội dung, hình thức khẩu hiệu đã được Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn duyệt và được Sở VH-TT&DL Bình Định cấp phép. Hai là, về hình thức băng rôn và phướn tuyên truyền nhiệm vụ chính trị kết hợp quảng bá thương hiệu sản phẩm… Hình thức tuyên truyền này không thể gọi là phản cảm bởi nội dung tuyên truyền rực rỡ (chữ vàng trên nền đỏ) và chiếm tỉ lệ… Mặt khác, logo hình đầu cọp là biểu tượng của hãng BIERE LARUE (đã được phép công bố trên toàn quốc). Ba là, thực hiện chủ trương xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nhằm giảm chi ngân sách Nhà nước, tạo cảnh quan đô thị đẹp, rực rỡ, bắt mắt làm tăng tác dụng tuyên truyền nhân các ngày lễ, tết và kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và địa phương, được Nhà nước ta khuyến khích thực hiện… Do đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tuyên truyền nhiệm vụ chính trị kết hợp quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình. Thế nhưng, tác giả đưa thông tin với tít đề như vậy vô tình lại gây sốc cho người đọc”.
Xung quanh nội dung công văn này, Báo Bình Định trao đổi như sau:
Thứ nhất, bài viết này là ý kiến bạn đọc, hãy khoan nói về những quy định của pháp luật về quảng cáo, nó “phản cảm” ở chỗ đưa logo của một sản phẩm rượu, bia đặt tiếp nối vào một câu khẩu hiệu tuyên truyền về chính trị, như: “Tinh thần ngày chiến thắng 30.4 và Quốc tế lao động 1.5 bất diệt (hình đầu con cọp - BIERE LARUE)” và “Chào mừng 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2010)! (hình đầu con cọp - BIERE LARUE)”.
Thứ hai, không được “đánh đồng” việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị với quảng cáo thương hiệu sản phẩm. Bởi lẽ, ngay tại Điểm 2, Điều 1, Chương I, Nghị định số 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13.3.2003 “Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo” đã nêu rõ: “Những thông tin về chính trị không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Quảng cáo và Nghị định này”. Điều đó cho thấy, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã rất cẩn trọng trong vấn đề phân định rõ việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị với quảng cáo.
Trung tâm VH-TT-DL thành phố cho rằng khẩu hiệu có gắn logo (đầu con cọp) không thể gọi là phản cảm, vì nội dung tuyên truyền rực rỡ (chữ vàng trên nền đỏ), ý này không được rõ ràng. Chữ vàng trên nền đỏ, 2 màu này chỉ dành cho những bandroll có nội dung khẩu hiệu mang tính chất chính trị. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng đã có quy định cụ thể: “Đối với quảng cáo bằng bandroll cho các cuộc hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể thao và hoạt động vui chơi giải trí thì không được dùng nền đỏ chữ vàng”. Tuy nhiên, đáng tiếc là trên những bandroll của Trung tâm VH-TT-DL thành phố Quy Nhơn vừa nêu, lại nổi bật hình ảnh đầu của 1 con cọp màu cam in đậm trên nền màu xanh. Vì lẽ đó, bạn đọc Báo Bình Định mới cho rằng đó là những khẩu hiệu gây phản cảm. Nhân đây, chúng tôi cũng lưu ý thêm, trong Pháp lệnh Quảng cáo, ở Mục 3, Điều 6 của chương II về “Nội dung quảng cáo” cũng quy định: “Hình thức quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt những thông tin quảng cáo với những thông tin không phải là quảng cáo để không gây nhầm lẫn cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng”.
Thứ ba, nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước ta đã ban hành, trong đó có Pháp lệnh Quảng cáo (30.11.2001); Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13.3.2003 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo”; Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16.7.2003 của Bộ VH-TT (nay là VH-TT-DL) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP; Nghị định số 40/2008/NĐ-CP của Chính phủ “Về sản xuất, kinh doanh rượu”… đều quy định rất cụ thể những mặt hàng, sản phẩm nào được phép quảng cáo, loại nào hạn chế quảng cáo và loại nào không được phép quảng cáo. Đối với rượu, tại khoản 3, mục 2 của Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo” cũng đã có những quy định rất cụ thể. “Về quảng cáo rượu”, Thông tư nêu rõ:
a) Các loại rượu có độ cồn từ 15 độ trở xuống chỉ được quảng cáo trên báo in, báo điện tử, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, mạng thông tin máy tính như các hàng hóa khác quảng cáo trên phương tiện đó;
b) Các loại rượu có độ cồn trên 15 độ chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới doanh nghiệp sản xuất rượu, bên trong các cửa hàng, đại lý tiêu thụ rượu nhưng phải đảm bảo người ở bên ngoài địa giới doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý không đọc được, không nghe được, không thấy được;
c) ….;
d) Ngoài những quy định tại các điểm a, b, c khoản này, nghiêm cấm quảng cáo rượu dưới bất kỳ hình thức nào khác”.
Như vậy, theo quy định trên, BIERE LARUE là sản phẩm chỉ được phép quảng cáo trên báo in, báo điện tử, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, mạng thông tin máy tính, chứ không được quảng cáo trên bandroll, khẩu hiệu, tờ phướn (như Trung tâm VH-TT-DL đã thực hiện vừa qua).
Điều đó cho thấy, những bandroll, khẩu hiệu, tờ phướn của Trung tâm VH-TT-DL treo trong ngày lễ 30.4 và 1.5 vừa qua không chỉ gây phản cảm, mà còn vi phạm về Pháp lệnh Quảng cáo.
|