Đê Đông có chiều dài 46 km đi qua địa bàn các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Nhơn Hội (thành phố Quy Nhơn) và các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) và xã Cát Chánh (huyện Phù Cát). Đây là một tuyến đê có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát lũ cho 5.400 ha đất canh tác phục vụ đời sống của trên 200 ngàn cư dân ven đê. Tuy đê Đông quan trọng là vậy, nhưng từ lâu nay tuyến đê này bị xâm chiếm không thương tiếc.
|
Một đoạn đê giáp ranh giữa xã Cát Chánh (Phù Cát) và xã Phước Thắng (Tuy Phước) dài chừng 200 mét, đã có 20 hộ chiếm cất nhà.
|
Những căn nhà từ tạm bợ đến kiên cố được xây dựng trái phép trên hành lang bảo vệ đê điều (HLBVĐĐ), thậm chí cả trên thân đê cùng với việc chăn thả gia súc trên đê là nguyên nhân làm cho đê Đông nhanh chóng xuống cấp.
Ông Đặng Ngọc Thái, Đội trưởng phòng chống lụt bão (PCLB) và Quản lý đê điều (QLĐĐ) thuộc Chi cục PCLB-QLĐĐ tỉnh, cho biết: “Tình trạng lấn chiếm vi phạm HLBVĐĐ cứ diễn ra dai dẳng, ban đầu họ cất chòi ở tạm để làm biển, chăn vịt, trại chứa nông cụ, chất vật dụng nuôi trồng thủy sản… Đội kiểm tra lập biên bản đề nghị tháo dỡ, họ hứa chấp hành, nhưng thời gian sau lại lén lút dựng nhà, xây vật kiến trúc đã gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công nâng cấp sửa chữa đê”.
Hiện nay, chưa có giải pháp nào để giải quyết “rốt ráo” các trường hợp lấn chiếm xây nhà trong hành lang chỉ giới đê Đông. Ngày 28.4.2010 Chi cục PCLB-QLĐĐ đã có công văn đề nghị UBND xã, phường có biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi lấn chiếm, cơi nới xây dựng các công trình vi phạm HLBVĐĐ. Nhưng xem ra văn bản hành chính này chưa đủ mạnh để ngăn ngừa việc lấn chiếm.
Không những lấn chiếm các tuyến đê cũ chưa nâng cấp mà các tuyến đê đã nâng cấp cũng nằm trong “tầm ngắm” bị xâm hại. Năm 2005 thực hiện dự án “Giảm thiểu rủi ro thủy tai ở Bình Định” (do chính phủ các nước Hà Lan, Luxembourg và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc viện trợ không hoàn lại) tỉnh ta đã kiên cố gần 6km đê trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đã có nhiều hộ dân ồ ạt ra đê chiếm đất xí phần, bơm cát, dựng nhà, chính quyền và ngành chức năng đã phải vất vả ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng còn 1 tuyến đê nằm trên địa bàn xã Phước Thắng do xã Cát Chánh quản lý đã hình thành một khu dân cư có 20 hộ xây nhà ở kiên cố. Ông Phạm Hồng Sang, cán bộ QLĐĐ trên địa bàn xã Cát Chánh, cho biết: “Trước đây 20 hộ này sống ở giữa dòng sông Dinh, nay họ chuyển sang bơm cát cất nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ đê. Do nằm trên địa bàn xã Phước Thắng nên việc ngăn chặn phải có chính quyền sở tại tham gia. Nhiều lần phát hiện xuống lập biên bản đình chỉ, xử lý hành chính. Nhưng cán bộ xã đi rồi họ vẫn tiếp tục đổ đất san nền xây xong nhà”.
Theo Luật Đê điều, tại điều 23, khoản 3, quy định: Hành lang bảo vệ đê kè, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50 mét. Thế nhưng trên thực tế rất nhiều trường hợp không chỉ cất nhà vi phạm HLBVĐĐ, mà xây dựng nhà ở ngay trên mặt đê, làm nhiều đoạn đê bị biến dạng, gây nguy hiểm chẳng những cho thân đê mà còn cho chính gia đình vi phạm khi đê phải chịu áp lực lũ, bão và triều cường.
Ở xã Phước Hòa, có số hộ cất nhà vi phạm HLBVĐĐ đứng thứ 2 các địa phương có đê. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Chính quyền xã tuyên truyền thường xuyên những quy định về đê điều đến mọi người dân địa phương. Xã cũng thành lập đoàn xử lý vi phạm Luật Đất đai, nhưng bà con kẹt chỗ ở nên làm liều, còn lợi dụng ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật để cơi nới xây cất gây khó khăn cho địa phương. Hơn nữa việc phối hợp với đơn vị quản lý đê giữa hai bên còn chưa chặt chẽ”.
Những trường hợp lấn chiếm đê Đông trước đây chưa giải quyết xong, nạn lấn chiếm mới lại xuất hiện. Nguyên nhân chính là các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa thật sự phối hợp chặt chẽ và có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, xử lý. Hy vọng thời gian tới cần có sự phối hợp tốt từ các phía và sự tự giác của nhân dân để di dời các hộ dân nằm trong HLBVĐĐ đến các khu tái định cư và xử lý nghiêm đối với những vụ tái lấn chiếm mới, lập lại trật tự bảo vệ an toàn đê Đông.
Theo báo cáo của Đội PCLB-QLĐĐ, trước năm 2007 toàn tuyến đê Đông có 1.689 trường hợp vi phạm, từ năm 2008 đến nay có thêm 17 trường hợp nữa vi phạm. Địa phương có nhiều trường hợp lấn chiếm vi phạm HLBVĐĐ nhiều là Phước Thuận 462 trường hợp, Phước Hòa 452 trường hợp, phường Nhơn Bình 276 trường hợp, Phước Sơn 220 trường hợp, Phước Thắng 206 trường hợp, thị trấn Tuy Phước 61 trường hợp… |
|