Vì sao các tài xế taxi Mai Linh ngưng chạy xe?
21:32', 20/5/ 2010 (GMT+7)

Như tin đã đưa, sáng ngày 14.5, khoảng 30 tài xế taxi của Công ty TNHH 1 thành viên Mai Linh Bình Định (Cty Mai Linh) đã đồng loạt ngưng chạy xe để phản đối tỷ lệ ăn chia mà công ty đang áp dụng. Sự thật vụ việc là như thế nào, sau đây là giải thích của các tài xế và lãnh đạo công ty.

 

Nhân viên taxi Mai Linh tập trung phản đối vào sáng 14.5.

 

* Các tài xế bị thiệt thòi quyền lợi(?)

Tài xế taxi của Cty Mai Linh đã đồng loạt “khóa xe” để phản đối tỷ lệ ăn chia phần trăm trên doanh thu đạt được do lãnh đạo công ty áp dụng. Cụ thể, nếu trước đây tài xế chạy được 1,2 triệu đồng/ngày sẽ được hưởng 46%. Hiện nay, tài xế phải chạy trên 1,4 triệu đồng/ngày mới được hưởng tỷ lệ như trên. Một tài xế tên T. tính toán: “Trước kia, chạy được 600.000 đồng/ca/24 tiếng, sau khi trừ mọi chi phí chúng tôi kiếm được khoảng 70.000 đồng/ngày. Nhưng với cách tính như hiện nay, nếu chạy cùng với số tiền trên (600.000 đồng-PV) thì mỗi ngày chúng tôi phải bù lỗ khoảng 40.000 đồng”. Chưa hết, việc đổ xăng tại cây xăng “nội bộ” của công ty cũng có nhiều khuất tất. Theo đó, nếu đổ xăng tại cây xăng “nội bộ” (nằm sau lưng Công ty Mai Linh Bình Định), cứ chạy 100km sẽ mất từ 150 - 170 ngàn đồng. Trong khi đó, nếu đổ ở cây xăng bên ngoài, cũng chạy 100km thì số tiền chỉ còn khoảng 50.000 đồng (?).

Các tài xế còn phản đối việc phải gánh thêm 5% thuế vận tải mà theo họ lẽ ra công ty phải hoàn toàn chịu loại thuế này. Gánh thêm khoản thuế trên, họ sẽ mất đi một phần thu nhập nên gặp nhiều khó khăn trong thời điểm tăng giá hiện nay. Tài xế M. cho biết: “Với cách chia tỷ lệ phần trăm doanh thu như trên, lại phải đóng thêm khoản thuế vận tải thì làm sao chúng tôi đủ sống? Chúng tôi đề nghị lãnh đạo công ty phải xem xét lại”. Ngoài các vấn đề vừa nêu, tài xế taxi còn bức xúc các quyền lợi lao động khác như không có lương cơ bản (chỉ dùng lương trên danh nghĩa để đóng BHYT, BHXH), Công đoàn chưa phát huy vai trò bảo vệ lợi ích người lao động.

 

Hàng loạt xe taxi Mai Linh tập trung tại siêu thị Quy Nhơn để tham gia phản đối.

 

* Phản hồi từ lãnh đạo công ty

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo Công ty Mai Linh Bình Định. Theo ông Triệu Ngọc Tú, Giám đốc Cty Mai Linh: Mức ăn chia này (từ 1,2 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng/doanh thu ngày vẫn hưởng mức 46%) không thể gọi là không đủ sống. Bình quân thu nhập của tài xế taxi Mai Linh hiện nay là 3 triệu đồng/người/tháng. Để thích ứng với tình hình giá cả sinh hoạt hiện nay, công ty đã hạ mức khoán để đảm bảo đời sống cho nhân viên, như dòng xe Hi- lander (7 chỗ) mức khoán áp dụng từ 1,2 triệu đồng/ngày xuống còn 1,130 triệu đồng/ngày. Đây là thời điểm hoạt động vận tải taxi bước vào mùa cao điểm, việc tăng mức khoán từ 1,2 triệu lên 1,4 triệu là giải pháp bình ổn thu nhập cho nhân viên trong mùa không cao điểm (6 tháng-PV) công ty sẽ hạ mức khoán.

Ông Tú giải thích thêm: “Số tài xế không chịu chạy xe vào sáng 14.5 thuộc các đối tượng thường xuyên chạy không đạt doanh thu mà công ty đã đề ra. Họ chỉ chạy được 300.000 đồng/ngày trong khi để hòa vốn, mỗi tài xế phải chạy được 850.000 đồng/ngày. Đối với những tài xế đó, chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo nên mới có sự việc như vừa qua”.

Về cái gọi là cây xăng “nội bộ”, ông Tú khẳng định không có chuyện như các tài xế đã cung cấp. Ông Tú giải thích, cây xăng nằm sau lưng Cty Mai Linh là do Cty Petro Limex sở hữu và kinh doanh. Từ 4 giờ sáng, các tài xế phải có mặt ở công ty để nhận công việc, trong khi các cây xăng lại cách xa công ty. Do đó, công ty đã làm việc với Petro Limex để họ mở cây xăng bên cạnh, cung ứng cho lượng xe của Mai Linh nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển.

Về khoản 5% thuế vận tải mà các tài xế phải chịu, ông Tú cho rằng: “Năm 2009, mức thuế VAT mà các hãng taxi phải đóng là 5%, lẽ ra công ty và tài xế phải chịu 50-50 nhưng do số tiền không lớn lắm nên năm trước chúng tôi chịu hoàn toàn mức thuế này. Đến 1.1.2010, mức thuế nói trên tăng lên 10% nên công ty đã đề nghị tài xế chia sẻ gánh nặng này (tài xế đóng 5% thuế được khấu trừ trực tiếp trong ngày trước khi tính vào lương-PV)”. Cũng theo ông Tú, tài xế bức xúc về việc công ty chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của họ là không chính xác bởi 100% nhân viên đều được đóng BHYT, BHXH.

Đại diện cho quyền lợi của người lao động, ông Châu Việt Khoa, Chủ tịch Công đoàn Cty Mai Linh, cho biết: “Hành động trên chưa đủ để gọi là lãn công hay đình công, bởi nhóm tài xế này chưa gởi bất cứ một văn bản kiến nghị quyền lợi nào lên lãnh đạo công ty để phản đối, như vậy là trái quy trình”.

  • Ly - Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Không nên nuôi chó trong công viên  (20/05/2010)
Sớm có giải pháp ngăn chặn nạn lấn chiếm đê Đông  (18/05/2010)
Ông Trương Thanh Hải (Hồng) có tham gia bộ đội  (18/05/2010)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (14/05/2010)
Phòng Văn hóa - Thông tin cho rằng... không phản cảm(!)  (11/05/2010)
Bao giờ nâng cấp tuyến đê Huỳnh Giản?  (04/05/2010)
Khai thác đất khi chưa có giấy phép  (04/05/2010)
Vì sao việc khai thác các mỏ đá ở An Lão bị ách tắc?  (28/04/2010)
Cháu Trần Văn Thịnh đã được đi học  (27/04/2010)
Gắn số nhà… tùy hứng!  (27/04/2010)
Đã nghiêm túc kiểm điểm những học sinh cá biệt  (27/04/2010)
Ai là thân nhân cháu Bùi Thanh Lâm?  (24/04/2010)
Điều cần làm ngay ở Trường TH Tây An  (24/04/2010)
Chông sắt chặn máy gặt liên hợp  (23/04/2010)
Game bạo lực và những hệ lụy  (23/04/2010)