Hiện nay, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) tại các tuyến Quốc lộ (QL) trên địa bàn tỉnh ta diễn ra khá phổ biến với mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Dường như, sau gần 3 năm có hiệu lực, Quyết định 1856/QĐ - TTg ngày 27.12.2007 của Thủ tướng Chính phủ đang dần bị người dân quên lãng và ngành chức năng cũng dần “nới tay”.
|
Tràn ra lề đường để buôn bán (ảnh chụp tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, trên QL19).
|
Ngày 27.12.2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1856/QĐ – TTg nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn HLATĐB. Ngày 13.3.2008, UBND tỉnh ra Quyết định số 139/QĐ-UBND về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (HLATGT) trên địa bàn tỉnh; xác định rõ mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân dọc các tuyến đường và tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ HLATGT. Thời gian đầu, với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; cũng như kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình vi phạm, công tác lập lại trật tự hành lang đường bộ thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, việc lấn chiếm HLATĐB trên các tuyến QL lại tái diễn và có chiều hướng trầm trọng hơn.
Hầu như tại các huyện, nơi có tuyến QL 1A và QL 19 đi qua đều xảy ra tình trạng cơi nới lều, quán ra lề đường để làm nơi mua bán, thậm chí có nơi người ta còn dùng lề đường để làm kho chứa vật liệu. Huyện Tuy Phước, địa phương có tuyến QL 1A và QL 19 đi qua, hành vi xâm hại HLATĐB đang ở mức báo động. Trên QL 19 (đoạn qua thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc), hàng quán mọc lên chi chít, bảng hiệu quảng cáo được người dân đặt ra cả ngoài đường để thu hút sự chú ý. Vào buổi chiều, nơi đây trở thành điểm mua bán thức ăn nhanh (bán bánh bèo, bánh xèo, bún…) với nhiều quầy hàng được bày ra, người mua kẻ bán tấp nập, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Hay như QL 1A (đoạn gần cầu Ông Đô), người dân biến lề đường thành cơ sở sản xuất chậu xi măng với hàng tá chậu to, nhỏ các loại được bày ra lề đường. Hàng chục vườn cây cảnh lấn hành lang đường để trồng những cổ thụ mới khai thác. Chưa hết, một số công ty, doanh nghiệp mua bán máy kéo, phụ tùng ô tô ngang nhiên “trưng bày” sản phẩm ra lề đường để giới thiệu… cứ coi như đất của nhà mình (!)
Mức độ vi phạm HLATĐB trên địa bàn huyện An Nhơn cũng nghiêm trọng không kém. Dọc thị trấn Đập Đá, Gò Găng và các xã Nhơn Hòa, Nhơn Hưng… hai bên lề đường QL 1A đều được người dân tận dụng triệt để để mua bán. Đặc biệt, đoạn đường qua xã Nhơn Thành, những hộ kinh doanh sắt phế liệu, nhựa cũ dùng lề đường để làm kho chứa, vừa mất an toàn giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tại các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ (những nơi có tuyến QL 1A đi qua) cũng chịu chung cảnh ngộ với các mức độ lấn chiếm khác nhau. Có thể thấy, tình trạng lấn chiếm, xâm hại HLATĐB tại các tuyến QL đã trở thành “căn bệnh mãn tính”. Một khi ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân là một thứ quá xa xỉ, các cơ quan chức năng còn lúng túng, thiếu kiên quyết thì rất khó để “điều trị” dứt điểm căn bệnh này.
Lập lại trật tự HLATĐB nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông là việc làm cần thiết. Việc làm này không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải thực hiện lâu dài và quan trọng nhất đó là sự hợp tác và đồng lòng, chung sức của toàn xã hội. Để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm HLATĐB trên các tuyến QL, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ thực hiện nghiêm túc Quyết định 139/QĐ-UBND của UBND tỉnh; đề ra giải pháp đồng bộ, quyết liệt và kiên quyết hơn trong việc kiểm tra, xử lý.
|