Từ hơn 10 năm qua, với mong muốn bảo vệ diện tích đất nông nghiệp ở quê mình, một người phụ nữ bệnh câm đã hàng ngày lặng lẽ đi nhổ bỏ cây mai dương - một loài thực vật vô cùng nguy hiểm đối với an ninh lương thực.
|
Ngày ngày chị Nguyễn Thị Giáo tìm diệt những cây mai dương.
|
Đó là chị Nguyễn Thị Giáo - một phụ nữ 45 tuổi, sống bằng nghề nông ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Dù bị câm và thất học, nhưng từ hơn 10 năm qua, kể từ khi cây mai dương xuất hiện tại vùng đất này, hễ có thời gian là chị lại tranh thủ đi cùng thôn khắp xóm tìm nhổ mai dương lúc cây còn nhỏ.
Theo nhà thực vật học, giáo sư Nguyễn Văn Chi, mai dương là loại cây họ đậu, có nguồn gốc từ Trung Mỹ, là loài sinh trưởng nhanh, một cá thể có thể tự ra hoa kết trái, một cây có thể sản sinh đến 9.000 hạt; gặp vùng đất ẩm ướt, cây ra hoa 4 mùa. Đặc biệt, hạt mai dương giữ sức nảy mầm đến 23 năm, trong thân cây chứa một loại axit amin có thể gây độc đối với nhiều loại động vật.
Hiện tại, cây mai dương đã có mặt trên hầu hết các cánh đồng trong tỉnh, đe dọa diện tích đất ruộng. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới đã xếp mai dương vào danh sách 100 loại thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã đưa vào danh mục 150 loại thực vật gây hại cần tiêu diệt. Những năm gần đây, phát hiện ra sự nguy hại của loại cây này đối với an ninh lương thực, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục cảnh báo nhưng chưa thấy nhiều động thái tích cực từ phía các cấp, các ngành hữu quan.
Không biết chị Giáo đã nhổ được bao nhiều cây, nhưng tiếng đồn về người phụ nữ câm chuyên tìm diệt cây mai dương đã được nhiều người biết đến với sự thán phục và biết ơn. Ông Nguyễn Văn Phước - một người dân cùng thôn Huỳnh Mai cho biết: “Nếu chị Giáo không nhổ những cây mai dương phát tán trong vùng từ cách đây chục năm, thì chắc cái vùng này đã mọc lên um tùm mai dương. Nhờ mai dương bị nhổ bỏ mà cỏ mới mọc được, mới có cho bò ăn; loài cây này mà xuất hiện thì không còn cây gì có thể mọc được”. Vì bệnh câm, chị Giáo không thể nói được nguyên nhân khiến chị “ghét” cây mai dương và ngày ngày đi tìm nhổ nó, có lẽ chỉ đơn thuần vì chị thấy loài cây này tồn tại chẳng ích gì, lại nhiều gai sắc nhọn, bò nhà chị không ăn được, nó mọc đến đâu, cỏ chết đến đó.
Chị Nguyễn Thị Giáo không hề được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, không hiểu được loài cây mà chị “tìm diệt” hàng ngày nguy hiểm đến mức nào. Nếu biết, thì với khả năng hạn chế của một người bệnh câm, chị cũng không thể vận động, tuyên truyền người khác làm theo. Nhưng chính hành động cụ thể của chị đã có sức lôi cuốn đối với bà con ở đây. Một số nông dân ở địa phương đã học tập chị, cùng chung tay góp phần tiêu diệt mai dương bằng cách phát dọn và nhổ bỏ cây con. Hơn ai hết, người nông dân ở thôn quê hiểu ruộng đất có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của gia đình mình, không ai muốn loài cây độc hại này tàn phá đồng ruộng quê mình.
|