Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG Ở NÔNG THÔN:
Thực trạng đáng lo ngại
13:54', 30/7/ 2010 (GMT+7)

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn đang là mối quan tâm của xã hội và cơ quan chức năng. Do dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phát triển, sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp, việc sản xuất làng nghề thiếu quy hoạch; sự hình thành các cơ sở chế biến nông sản, thủy hải sản ngay trong khu dân cư … khiến cho vấn đề ô nhiễm càng trầm trọng.

 

Một bãi rác do người dân “tự quy hoạch” nằm bên Quốc lộ 1A (khối Liêm Trực, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn).

 

Nhức nhối nhất là tình trạng đổ rác thải, bao ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh và vứt xác gia súc, gia cầm chết bừa bãi khắp nơi ở các vùng nông thôn. Người dân “tự quy hoạch” bãi rác bên lề đường, đầu cầu, kênh mương… để “xử lý” lượng rác thải trong các gia đình. Những bãi rác tự phát cứ ngày một phình to nằm ven QL 1A chạy dọc theo địa bàn các huyện từ Hoài Nhơn đến Tuy Phước.

Trong khu vực dân cư ở các vùng nông thôn, việc đổ rác bừa bãi cũng nghiêm trọng không kém. Nhiều người dồn tất tần tật mọi thứ vào bao tải, đợi lúc đêm khuya thì mang tới hệ thống kênh mương nội đồng hoặc các đầu cầu để đổ. Hiện tượng này đang xảy ra phổ biến trên địa bàn các xã Cát Tường (huyện Phù Cát), xã Ân Hảo Đông, Ân Đức (huyện Hoài Ân), xã Phước Lộc, Phước Thuận (huyện Tuy Phước)… Ngoài ra, các chợ nông thôn cũng là nơi sản sinh ra đủ các loại rác mà chưa có biện pháp xử lý, chỉ quét dọn lại một chỗ rồi để phân hủy tự nhiên. Điều này càng tạo thêm gánh nặng cho công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đổ rác thải bừa bãi nhưng chủ yếu do ý thức người dân chưa cao, mọi người đều “vô tư” đổ rác ở bất cứ đâu. Đặc biệt, nhiều người coi việc giữ gìn vệ sinh môi trường là việc của xã hội với suy nghĩ “sạch nhà ta, mặc nhà hàng xóm”.

Môi trường nông thôn còn bị đe dọa bởi việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc BVTV. Do yêu cầu tăng năng suất, sản lượng, mở rộng sản xuất để phát triển kinh tế, người nông dân sử dụng hóa chất nông nghiệp ngày càng nhiều. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh ta, hàng trăm tấn thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ và hàng ngàn tấn phân bón hóa học các loại được dùng. Nhưng do sử dụng chưa hợp lý, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân cũng như môi trường xung quanh. Theo các nhà khoa học, trong nguyên liệu sản xuất phân lân có chứa 3% Flo, khoảng 50-60% lượng Flo này nằm lại trong đất và sẽ làm ô nhiễm đất khi hàm lượng của nó đạt tới 10mg/kg đất. Flo gây độc hại cho người và gia súc, kìm hãm hoạt động của một số enzim, ngăn cản quá trình quang hợp và tổng hợp protein ở thực vật. Khi bón phân đạm cho cây trồng, cây chỉ sử dụng khoảng 40-60%, số còn lại đã bốc hơi hoặc lưu giữ trong đất. Urê bốc hơi trong không khí, khí NH3 làm ô nhiễm môi trường không khí, khí NO2 làm phá vỡ tầng ôzôn (NO2 sản sinh ra từ phân bón đến 15%).

Các làng nghề góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Thế nhưng, do các cơ sở sản xuất thường nằm ngay trong khu dân cư, lại chưa có biện pháp xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải… nên nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng cho cộng đồng càng lớn. Có thể kể ra một số làng nghề tác động xấu đến môi trường như nấu đúc kim loại, chế biến tinh bột sắn, làm gạch ngói, nấu rượu, làm bún… Hiện nay, việc chế biến nông sản, thủy hải sản phát triển mạnh ở khu vực nông thôn. Nhưng các loại chất thải sau chế biến đều không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường. Bởi nhiều chủ cơ sở sản xuất, chế biến ít quan tâm đầu tư công nghệ xử lý môi trường hoặc nếu có cũng chỉ là để đối phó. Người dân ở khối Bằng Châu (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) nhiều năm nay phải sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ các cơ sở chế biến nước mắm tại Điểm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thanh Liêm (xã Nhơn An, huyện An Nhơn) là một ví dụ điển hình. Hay như mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường đã đề nghị tạm đình chỉ hoạt động của Xí nghiệp chế biến thủy sản Tam Quan vì hầm chứa nước thải của Xí nghiệp bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cho các hộ dân sống xung quanh.

Có thể thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn đang rất đáng lo ngại. Đã đến lúc mọi người cùng chung tay hành động để bảo vệ môi trường. Cần tuyên truyền, vận động để thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện của người dân. Đồng thời, lồng ghép việc phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, cung cấp dịch vụ thu gom rác thải. Ở những vùng chưa tổ chức được dịch vụ này, cách làm hiệu quả và đơn giản nhất là không vứt rác bừa bãi; tận dụng môi trường vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ. Hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại cho môi trường như túi nilon, các loại bao bì bằng nhựa.

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phù Mỹ: Nhiều cơ quan, đơn vị không đặt mua báo Đảng  (27/07/2010)
Giật mình với kiểu “phun châu nhả ngọc” của nữ sinh  (23/07/2010)
Xử phạt nặng những người say rượu, bia ở nơi công cộng  (23/07/2010)
Đừng vì đất, mất nghĩa tình  (23/07/2010)
Cần sớm xử lý vụ đánh người gây thương tích  (20/07/2010)
Không lẽ cứ để mãi cảnh bầy hầy (?)  (19/07/2010)
Sản xuất nhựa ảnh hưởng khu dân cư  (15/07/2010)
Tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang xã hội  (15/07/2010)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (09/07/2010)
Tiếp tục trợ cấp cho người có từ 15 đến 20 năm công tác  (09/07/2010)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (02/07/2010)
An Nhơn: Nhiều vụ trộm thiết bị điện hạ thế  (01/07/2010)
Cơ sở xay xát gây ảnh hưởng nhà dân  (29/06/2010)
Kinh doanh hải sản gây ô nhiễm môi trường  (29/06/2010)
Mong bãi biển Quy Nhơn đẹp hơn   (26/06/2010)