Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có khá nhiều khu vui chơi (KVC) dành cho trẻ em; nhiều công viên (CV) phục vụ nhu cầu giải trí của người dân đang xuống cấp trầm trọng, có nơi không hoạt động. Tình trạng này không những không thực hiện đúng chức năng của công trình mà còn tạo nên sự lãng phí lớn. Bởi hầu hết các KVC, CV đều được quy hoạch xây dựng ở những vị trí trung tâm ở các khu dân cư.
|
KVC dành cho trẻ em tại xã Phước Thuận mới xây dựng không lâu giờ đây trở thành bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.
|
* Từ những khu vui chơi cho trẻ đang bị “đắp chiếu”…
Đơn cử ở huyện Tuy Phước có 8 điểm vui chơi thì chỉ còn 2 điểm đang hoạt động nhưng số lượng trẻ em tham gia không nhiều. Các điểm còn lại không có bóng cây, thiếu điện, nước, công trình vệ sinh, các dụng cụ vui chơi hư hỏng… nên không thể hoạt động. KVC tại xã Phước Thuận là một trong nhiều KVC đang rơi vào cảnh “hấp hối” như vậy. KVC này được xây dựng vào năm 2003 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước với diện tích khoảng 800m2. Ban đầu, nơi đây thu hút lượng lớn các cháu thiếu nhi. Tuy nhiên, các trang thiết bị sau thời gian ngắn chống chọi với nắng mưa đã hư hỏng, xuống cấp. Hiện nay, các dụng cụ như xích đu, cầu trượt, bập bênh… không khác gì sắt vụn. KVC trở thành bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. KVC tại xã Phước Quang tình trạng cũng không khá hơn, hầu hết các dụng cụ được lắp đặt đều đã hư hỏng nặng. Hiện nơi đây được người ta tận dụng làm nơi để cây cảnh.
Mới đây, khi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em; UBND huyện Tuy Phước đã thẳng thắn nhìn nhận: Hầu hết các điểm vui chơi chỉ hoạt động hiệu quả trong thời gian đầu. Sau đó không còn thu hút trẻ em đến tham gia bởi nhiều trò chơi nhàm chán, đơn điệu. Các thiết bị để ngoài trời lâu ngày, không có mái che nên nhanh chóng hư hỏng, rỉ sét. Điều này tạo tâm lý không an toàn nên các bậc phụ huynh ngại đưa con đến chơi.
Trước thực trạng này, UBND huyện Tuy Phước đã kiến nghị Trung ương, tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư, nâng cấp các thiết bị phục vụ vui chơi cho các em thêm phong phú và đa dạng. Thực hiện xã hội hóa các KVC như cho tư nhân đấu thầu hoặc giao cho các hội sinh vật cảnh làm nơi bày bán sản phẩm. Nên xây dựng điểm vui chơi trong khuôn viên các trường mầm non và tiểu học, giao cho nhà trường quản lý, sử dụng…
Không riêng gì huyện Tuy Phước, hầu hết những KVC trên địa bàn các huyện còn lại cũng ở hoàn cảnh tương tự. Như ở KVC dành cho trẻ em tại xã Cát Hải (Phù Cát); KVC, sinh hoạt thiếu nhi ở xã Hoài Phú (Hoài Nhơn). Cả hai đều tọa lạc ở vị trí khá đắc địa, nhưng chỉ hoạt động hiệu quả trong vài năm đầu. Sau đó, các dụng cụ hư hỏng, nằm lăn lóc khắp nơi, cỏ dại thi nhau mọc.
|
CV Bá Canh, thị trấn Đập Đá (An Nhơn) ngày càng hoang tàn.
|
* Đến những công viên hoang tàn
Gần đây, hầu như huyện nào cũng cho “ra đời” 1 đến 2 CV để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Thế nhưng, không phải CV nào cũng thực hiện tốt chức năng của nó.
CV Bá Canh (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) khi khởi công xây dựng được hi vọng là nơi sinh hoạt công cộng bổ ích. Thế nhưng, CV không được trông coi đúng mức nên hiện nay trở thành một bãi cỏ lớn. Nhiều người rất bức xúc trước thực trạng này bởi bỏ tiền tỉ để làm nhưng lại để cây cỏ mọc um tùm, trở nên hoang phế là quá lãng phí. Giờ đây, CV không còn giữ chức năng vui chơi, giải trí mà trở thành nơi đậu xe miễn phí và bãi cỏ lý tưởng để người dân chăn thả trâu, bò. Ông Trương Minh Tâm, Phó chủ tịch UBND thị trấn Đập Đá, cho biết: “Do khuôn viên của CV quá rộng (khoảng trên 1 ha-PV) nên gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc. Thêm vào đó, đất ở đây không tốt nên cây xanh không thể phát triển, chỉ có gai mắc cỡ là phát tán nhanh. Hàng năm, thị trấn bỏ ra gần 20 triệu đồng để thuê người tưới nước, phát dọn cỏ dại (2-3 đợt/năm) nhưng vẫn không xuể, dọn xong chỗ này thì chỗ khác đã mọc kín gai mắc cỡ”. Ông Tâm cũng cho biết thêm, mới đây huyện An Nhơn đã hỗ trợ 100 triệu đồng để thị trấn tu sửa, nâng cấp và trồng bổ sung cây xanh cho CV. Thế nhưng tương lai CV này có được xanh, sạch đúng nghĩa của nó thì cũng chưa có gì chắc chắn lắm.
CV Ngô Mây (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Số ghế đá đặt bên trong hầu hết cũng bị nứt, bể. Lượng cây xanh tại đây không được tưới nước, cắt tỉa chu đáo nên một số tự phát triển, số còn lại bị héo úa. Chỉ có cỏ và cây dại là tha hồ tung hoành, có nơi cỏ cao đến tận đầu gối; rác thải; bì ni lông và vỏ ốc bươu vàng vung vãi khắp nơi. Trong “danh sách” CV bị lãng phí còn phải kể đến CV Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ. CV được đầu tư xây dựng gần một tỉ đồng, phục vụ việc nghỉ ngơi, thư giãn của bệnh nhân. Nhưng gần 4 năm trôi qua mà nhiều hạng mục vẫn chưa thi công dứt điểm.
Có thể thấy, hầu hết các KVC, CV đều được xây dựng ở những khu vực trung tâm, địa thế đẹp. Tuy nhiên, do việc quy hoạch, đầu tư xây dựng chưa hợp lý; công tác quản lý, sửa chữa không triệt để nên hiện nay rất nhiều nơi bị xuống cấp, không tiếp tục hoạt động; gây lãng phí lớn.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để tháo gỡ thực trạng nói trên. Đã “sinh” những KVC, CV ra thì phải có trách nhiệm “nuôi dưỡng” nó, để nó phát huy hết mục đích ban đầu hướng tới. Nếu không “nuôi” được thì cần phải dứt khoát, không thể để chúng “sống dở chết dở” mà gây ra sự lãng phí lớn về đất đai, tiền của của nhà nước.
|