Thấy gì ở nội dung biển chỉ dẫn mộ danh nhân Đào Tấn?
22:14', 31/8/ 2010 (GMT+7)

Việc gắn biển chỉ dẫn, bảng tên di tích lịch sử, di tích văn hóa,… trên địa bàn tỉnh lâu nay còn có một số ý kiến chưa đồng tình. Như biển chỉ dẫn đường vào lăng mộ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn (Tuy Phước) cũng đã có ý kiến cho rằng thiếu tôn trọng đối với người được vinh danh.

 

Biển hướng dẫn vào mộ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn.

 

Trên dãy núi Huỳnh Mai (thuộc xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) có một khu lăng mộ đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, đó là nơi yên nghỉ của cụ Đào Tấn, hậu tổ nghệ thuật tuồng, người đã có công đưa nghệ thuật tuồng lên đến đỉnh cao vào thế kỷ 19. Ông đã để lại cho chúng ta một gia tài nghệ thuật vô giá bao gồm các vở tuồng, thơ và từ, lý luận sân khấu, câu đối…, và các thế hệ học trò của ông đã lưu truyền, nâng cao những nét tinh hoa của nghệ thuật tuồng cho đến ngày nay. Thập niên chín mươi của thế kỷ trước, Nhà nước đã phong tặng ông là Danh nhân Văn hóa quốc gia. Đây cũng chính là niềm tự hào của nhân dân Bình Định nói chung và của huyện Tuy Phước nói riêng.

Năm 1994, trước tình hình ngôi mộ của Danh nhân Văn hóa Đào Tấn bị xuống cấp nghiêm trọng, Sở Văn hóa Thông tin, UBND huyện Tuy Phước, UBND xã Phước Nghĩa, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã tiến hành trùng tu ngôi mộ này. Về cơ bản việc trùng tu tôn tạo là dựa trên nguyên gốc; phần gia cố thêm chỉ nhằm chống xói mòn và làm bậc từ dưới đường lên đến mộ để nhân dân, khách du lịch lên thăm viếng được dễ dàng. Đây chính là tấm lòng tôn kính và ý thức gìn giữ, tôn tạo phần mộ danh nhân của chính quyền địa phương và ngành Văn hóa.

Tuy nhiên, hiện nay khi đến gần khu di tích này, nhiều du khách đã khá ngỡ ngàng trước tấm biển chỉ dẫn vào lăng mộ cụ Đào, với chỉ 3 chữ “Mộ Đào Tấn”. Trước tên một danh sĩ văn chương, ông tổ nghề tuồng Bình Định, sao chỉ gọi “đổng”, gọi cộc lốc: “Mộ Đào Tấn”? Nhiều người đặt câu hỏi, sao không phải là “Phần mộ nghệ sĩ tuồng Đào Tấn”, hoặc “Phần mộ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn”…? Hay chí ít là một chữ “cụ”, hay chữ “ông”... đối với người cao niên; trong khi những tước vị, danh xưng của cụ Đào Tấn là niềm kiêu hãnh của hậu bối. Chị Lộc Thu, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh khi nhìn thấy tấm biển chỉ dẫn đã không khỏi chạnh lòng, chị kể: “Ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), họ có tấm bảng thật trân trọng: Tomb de Dr. Yersin, vậy mà…”.

Hy vọng ngành chức năng và địa phương cần xem lại những ý kiến này đối với biển hướng dẫn vào lăng mộ Danh nhân Văn hóa Đào Tấn.

  • Minh Duyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sớm sửa chữa trụ đèn chiếu sáng bị mất nắp bảo vệ   (27/08/2010)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (27/08/2010)
Khu chứng tích Kim Tài đang thành... phế tích (!)  (27/08/2010)
Hiểm họa từ những hố ga, tấm đan bị vỡ nắp  (25/08/2010)
Cán bộ làm sai, dân bị thiệt  (25/08/2010)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (20/08/2010)
Khổ vì đường xuống cấp   (20/08/2010)
Xây trường rồi bỏ hoang (!)  (18/08/2010)
Lợi dụng từ thiện để thu lợi bất chính  (17/08/2010)
Cần mạnh tay hơn trong việc dọn “rác”  (16/08/2010)
Thêm một cây cổ thụ bị chết oan  (15/08/2010)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (14/08/2010)
Nỗi khổ của người dân sống chung với bụi đá  (11/08/2010)
Niềm vui bất ngờ  (10/08/2010)
Chấm dứt ngay các hợp đồng khai thác cát trái quy định  (10/08/2010)