Mới đây (ngày 23.7), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT về “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em 5 tuổi vào lớp 1. Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau nhưng hầu hết đều cho rằng, nhiều chỉ số trong Bộ chuẩn không thực tế và quá sức đối với trẻ 5 tuổi.
|
Nhiều phụ huynh lo lắng con sẽ quá sức đối với những chỉ số của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.
- Trong ảnh: Buổi sinh hoạt tập thể của học sinh Trường mầm non Họa Mi. |
Thông tư của Bộ GD&ĐT về “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” có tất cả 28 chuẩn và 120 chỉ số, bao gồm 4 lĩnh vực: Phát triển thể chất; phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; phát triển nhận thức. Cơ quan ban hành Bộ chuẩn lý giải: Đây là việc làm nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục. Xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em 5 tuổi. Tạo sự thống nhất trong chăm sóc, giáo dục trẻ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, rất nhiều chỉ số trong Bộ chuẩn thiếu thực tế và quá sức đối với trẻ.
Anh Lê Chí Sỹ (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) có con gái năm nay lên 5 tuổi, chia sẻ: “Sau khi xem nội dung Bộ chuẩn, tôi thấy rất nhiều chỉ số không phù hợp với những gì con gái tôi làm hàng ngày. Bộ chuẩn có nhiều chỉ số quá nặng đối với các cháu mới 5 tuổi”. Anh Sỹ dẫn chứng, việc bắt trẻ 5 tuổi không được nhận quà của người lạ là không phù hợp bởi trẻ con rất thích nhận quà nên có người cho sẽ nhận ngay. Hay như việc tô màu kín, không chờm ra ngoài đường viền các hình vẽ cũng sẽ rất khó để các cháu thực hiện được. Ngoài ra, một số chỉ số khác cũng khá “hóc búa” như che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp; biết hút thuốc lá là có hại và không lại gần người đang hút thuốc…
Chị Liễu (nhân viên văn phòng), cũng đồng tình với ý kiến và những chỉ số “không thực tế” của Bộ chuẩn. Chị cho biết: “Trong Bộ chuẩn này, tôi thấy có hơn 80 chỉ số không phù hợp với các cháu 5 tuổi. Theo tôi, có thể lấy Bộ chuẩn để cha mẹ học sinh và nhà trường tham khảo trong việc nuôi dạy các cháu. Chứ yêu cầu các cháu phải đạt hết các chỉ số, sau đó ghi kết quả vào hồ sơ cá nhân sẽ tạo cảm giác mặc cảm cho chính phụ huynh cũng như những trẻ chưa đạt chuẩn”.
Không riêng gì 2 ý kiến trên, hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng nhiều chỉ số trong Bộ chuẩn “xa rời thực tế” và quá sức đối với con họ. Những chỉ số như nhận xét được một số hành vi đúng hoặc sai của con người đối với môi trường; biết cách khởi xướng cuộc trò chuyện; ứng xử phù hợp với giới tính của bản thân; nhận ra giai điệu (vui, êm dịu, buồn) của bài hát hoặc bản nhạc; đặt tên mới cho đồ vật, câu chuyện, đặt lời mới cho bài hát… được xem là quá “cao siêu”.
Việc đặt ra một bộ chuẩn để nhà trường và cha mẹ học sinh làm “thước đo” và có cách chăm sóc, giáo dục phù hợp là cần thiết. Nhưng nếu bắt buộc tất cả trẻ 5 tuổi phải đạt một chuẩn chung, em nào cũng như em nào thì cần phải xem xét lại.
|