Hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động chưa được các ngành chức năng, người sử dụng lao động cũng như chính người lao động quan tâm đúng mức. Trong đó, việc đảm bảo an toàn cho những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thợ thủ công… hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.
|
Làm việc ở độ cao nhưng những người thợ xây không hề có dụng cụ BHLĐ nào. Ảnh: Văn Lực
|
* Thợ xây dựng “đánh đu với nguy hiểm”
Tại khoản 2 điều 11 Thông tư 39/2009 nêu rõ: “Đối với nhà ở có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2 hoặc từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở có tầng hầm hoặc thi công nâng tầng nhà ở thì tổ chức thi công xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định tại Điều 53 Nghị định 12/2009/NĐ-CP”. Thế nhưng trong thực tế, nhiều nhà thầu vẫn “nhắm mắt làm liều”, nhận thi công các công trình nằm ngoài khả năng của mình. Một nhà thầu thành thật chia sẻ: “Nếu áp dụng như các quy định trong thông tư, nghị định, nhà thầu chỉ có mà … “đói”. Việc trang bị dụng cụ bảo hộ lao động (BHLĐ), các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cũng là chuyện khá hiếm hoi. Chính vì vậy, trong số các vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tai nạn thuộc lĩnh vực xây dựng luôn chiếm tỉ lệ cao.
Như vụ tai nạn lao động năm 2007, tại một căn hộ trên đường Trần Cao Vân (gần ngã tư Trần Cao Vân-Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn), làm chết 1 người, bị thương 2 người. Chủ thầu xây dựng là một “thợ vườn”, nhưng nhận thi công xây dựng nhà tầng. Do kỹ thuật chống đỡ ván sàn không đạt, nên sau khi đổ xong mê tầng 1, bất ngờ sàn đổ sập, gây chết và bị thương cho các thợ xây dựng. Hoặc đầu năm 2009, một vụ tai nạn lao động đáng phải cảnh báo cho các chủ sử dụng lao động. Khi thợ xây dựng đang quét vôi tường trên tầng 3 của một căn hộ trên đường Diên Hồng (cách ngã tư Diên Hồng-Trần Thị Kỷ, TP Quy Nhơn khoảng 40m), thì bất ngờ bị điện đường dây cao thế giật rơi tự do; may nhờ rơi trúng đống cát nên bị chấn thương nhẹ, nhưng bị bỏng điện độ 2. Mới đây (tháng 7.2010), một thợ xây dựng ở huyện Tuy Phước đang thi công trang trí hoa văn mặt tiền tại một căn hộ trên đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn), bất cẩn rơi xuống bị cọc sắt cổng rào đâm toác bắp chân và gây đa chấn thương, do trong lúc thi công ở vị trí khó và nguy hiểm nhưng không có dây bảo hộ.
Thường khi tai nạn xảy ra, nhà thầu lập tức đứng ra “dàn xếp” với nạn nhân và gia đình nạn nhân bằng cách hỗ trợ một khoản tiền nhất định. Do vậy, thông tin về các vụ tai nạn lao động sẽ ít đến “tai” các cơ quan chức năng.
Chúng ta dễ dàng kiểm chứng sự bất trắc trong bảo hộ lao động thông qua việc “tham quan” một số công trình xây dựng. Tại nơi làm việc, nhiều khẩu hiệu đảm bảo an toàn khi lao động được trưng ra nhưng giữa nói và thực hiện còn khoảng cách xa. Thợ xây vẫn vắt vẻo ở độ cao gần 20m nhưng hoàn toàn không đeo dây bảo hiểm, bên dưới không có lưới chắn bảo hộ. Theo các thợ xây, họ biết làm việc trên cao mà không có dây an toàn hay các đồ BHLĐ cần thiết là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vì sự mưu sinh, những thợ xây đành chấp nhận “đánh đu với tử thần” trong công việc.
* Bảo hộ lao động cho nông dân, thợ thủ công chưa được quan tâm
Tại tỉnh ta, đa số người dân sống và làm việc ở khu vực nông thôn. Ngày nay, khi nông nghiệp được cơ giới hóa, nông dân chủ yếu sử dụng máy móc phục vụ sản xuất. Các loại hóa chất giúp cây trồng phát triển nhanh, tăng năng suất cũng được bán rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, người nông dân lại thiếu các kiến thức cần thiết để vận hành máy cũng như sử dụng thuốc cho thật an toàn và hiệu quả. Chính vì thế, TNLĐ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là những nguy cơ được báo trước.
Cách đây không lâu, anh Lê Văn Quang (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) phun thuốc trừ sâu nhưng không sử dụng đồ bảo hộ. Sau đó, mắt trái anh Quang bị ngứa rồi sưng vù lên. Anh Quang phải phẫu thuật bỏ mắt trái để giữ con mắt còn lại và tính mạng của mình. Hay trường hợp một nông dân ở Hoài Ân, do sơ suất khi vận hành máy cắt lúa đã bị máy cắt đứt một bàn tay. Mới đây nhất (ngày 3.9), tại Nhà máy sản xuất xơ dừa, thuộc Công ty TNHH Hiền Lương (xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn) đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm một công nhân chết tại chỗ. Trong lúc lao động, do sơ ý nên chị Nguyễn Thị Minh (SN 1977, ở thôn An Hội, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) bị cuốn vào dây chuyền sản xuất đang vận hành.
Tại các mỏ đá, khai thác phục vụ ngành xây dựng, chế biến đá, gỗ xuất khẩu, việc các công nhân không được trang bị đầy đủ, nghiêm túc các dụng cụ BHLĐ đã trở thành bình thường. Trong đó đáng chú ý là các thợ thủ công khai thác đá xây dựng. Công nhân tại các mỏ đá này, lao động trong điều kiện không có mũ BHLĐ, không khẩu trang, không găng tay…, tai họa có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Hằng ngày số công nhân này hít bụi đá, hàm lượng silic vào phổi gây độc hại cho cơ thể; tạo nên nhiều chứng bệnh hiểm nghèo do môi trường làm việc không trong lành.
Trên thực tế, công tác BHLĐ cho người nông dân và các công nhân lao động thủ công đã có những quy định cụ thể, nhưng hầu như đang bị bỏ ngỏ. Với họ, BHLĐ là một khái niệm xa lạ bởi có quá ít và thậm chí là không có cơ quan nào đứng ra thực hiện công việc này. Chính vì thế, việc đảm bảo an toàn cho người lao động một cách hiệu quả vẫn còn là một thách thức lớn đặt ra cho các ngành chức năng.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh - Xã hội đã thanh tra chuyên đề về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại 6 doanh nghiệp (DN). Qua đó, một số DN vẫn chưa nắm bắt kịp hoặc nắm bắt không kịp thời, không đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Tiến hành xử lý vi phạm hành chính về pháp luật lao động 4 DN với tổng số tiền phạt là 10 triệu đồng.
Ngoài ra, Thanh tra sở phối hợp với các ngành hữu quan kiểm tra 20 DN về BHLĐ và các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN năm 2010. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính về pháp luật lao động 11 DN với tổng số tiền 49 triệu đồng. |
|