Theo quy định, chất thải nguy hại (CTNH) là một trong những loại chất thải khá độc, phải được thu gom, xử lý, tiêu hủy để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên thực tế hiện nay ở tỉnh ta, nhiều loại CTNH vẫn còn nằm lẫn trong các loại rác thường và tất nhiên nó tồn tại đây đó và gây hại.
|
Người dân xóm Bờ Bạn (tổ 20, KV 3, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) bức xúc vì tình trạng xả chất thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
|
* Chất thải nguy hại trong môi trường sống
Một số CTNH thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, như: bùn thải nguy hại; hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ; xỉ tro, tro đáy từ lò đốt; than hoạt tính đã qua sử dụng; chất bảo quản gỗ và các loại bioxit khác được thải bỏ; hóa chất và hỗn hợp hóa chất từ phòng thí nghiệm, hóa chất nguy hại; chất thải sơn, bột màu, mực in; phẩm màu và chất nhuộm thải có chứa thành phần nguy hại; phế phẩm thức ăn gia súc không còn giá trị sử dụng chưa xác định được yếu tố nguy hại; mùn cưa, phôi bào, gỗ thừa, ván, gỗ ván vụn có chứa các thành phần nguy hại; bao bì hóa chất bảo vệ thực vật hại; bóng đèn nê-on, huỳnh quang thải ra...
CTNH không chỉ phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn phát sinh trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đơn cử trong các loại CTNH nói trên thì các chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật, như: chai diệt muỗi, gián; pin điện thoại di động, ắc quy sử dụng cho xe máy, xe ôtô, chai nước rửa kiếng, thiết bị điện, điện tử, tivi, máy tính, ống mực máy in, máy photocopy... thường phát sinh trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày ở gia đình, văn phòng; còn cặn sơn, dung môi thải, bùn thải, kim loại nặng... thường phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp...
* Cần được xử lý để bảo vệ môi trường
Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, thì CTNH phải được thu gom, xử lý, tiêu hủy để đảm bảo an toàn cho môi trường. Thực hiện quy định trên, thời gian qua công tác xử lý, tiêu hủy CTNH đã được các cấp, ngành và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý CTNH dạng lỏng theo quy định. Đặc biệt, phần lớn các bệnh viện, cơ sở y tế công trong tỉnh không chỉ xây dựng hệ thống xử lý CTNH dạng lỏng, mà còn đầu tư xây dựng lò đốt nhằm tiêu hủy CTNH ở dạng rắn.
Tuy nhiên, hiện việc thu gom, xử lý, tiêu hủy nhiều loại CTNH ở dạng rắn khác ở tỉnh ta vẫn còn bỏ ngỏ. Theo khảo sát của ngành chức năng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng hơn 300 tấn/ngày. Trong số đó có một phần không nhỏ là CTNH. Thế nhưng, việc phân loại CTNH thời gian qua vẫn chưa thực hiện tại nguồn. Còn tại các bãi chôn lấp thì hoạt động phân loại CTNH diễn ra theo kiểu tự phát.
Thực tế đã chứng minh, CTNH nếu không được thu gom, vận chuyển xử lý chặt chẽ mà thải trực tiếp vào môi trường thì sẽ gây ra các hậu quả khôn lường. Chẳng hạn, vụ ô nhiễm môi trường do Nhà máy Vedan thải ra không qua xử lý đúng quy định; hậu quả đã giết chết nguồn nước cả một vùng rộng lớn của nhiều tỉnh, thành. Tại Bình Định, trước đây vụ ô nhiễm môi trường do chất thải lỏng của nhà máy cồn, rượu Vạn Phát gây ra, đã bị sự phản ứng gay gắt của nhân dân.
Một cán bộ Sở Tài nguyên- Môi trường, cho biết: “Để việc xử lý, tiêu hủy CTNH ở tỉnh ta đúng theo quy định và đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường thì cần có những cơ sở tiêu hủy, đặc biệt là những lò đốt CTNH đúng quy chuẩn. Có như vậy thì nguy cơ ô nhiễm môi trường từ CTNH mới được khắc phục”.
CTNH là chất thải khi nồng độ vượt quá ngưỡng nguy hại được quy định ở các tiêu chuẩn hiện hành. Các chất thải được phân loại là CTNH khi có ít nhất một trong các tính chất sau: dễ nổ, chất thải lỏng dễ cháy, chất thải rắn dễ cháy, chất thải có khả năng tự bốc cháy, chất ăn mòn, chất oxy hóa, chất có độc tính cấp, chất gây nhiễm trùng, chất có độc tính sinh thái và chất có độc tính từ hoặc mãn tính. |
|