Chế độ cho cán bộ xã, phường:
Còn quá thấp!
9:33', 2/10/ 2011 (GMT+7)

Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2009/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Sau 2 năm đi vào cuộc sống, nghị định này bộc lộ một số bất cập, như: mức lương thấp, không có chế độ BHYT, BHXH… khiến nhiều cán bộ không yên tâm công tác.

 

Hàng ngày, cán bộ phụ trách công tác lao động - thương binh - xã hội ở xã làm rất nhiều việc nhưng chế độ lương còn quá thấp (ảnh minh họa).

 

Theo quy định tại Nghị định 92, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong buổi tiếp xúc cử tri tại xã Nhơn An (An Nhơn), ông Hồ Ngọc Châu, Bí thư Đảng ủy xã đã kiến nghị lên Quốc hội: “Với mức phụ cấp cũ, đời sống của cán bộ cấp xã, phường đã chật vật. Nay theo quy định mới, mức thu nhập không tăng, BHXH không còn thì cán bộ làm sao an tâm theo đuổi công việc”. Ông Châu đã nhẩm tính với khung 1, thu nhập của nhóm này chỉ khoảng 730 ngàn đồng/tháng cùng với phụ cấp của xã khoảng 200 - 400 ngàn đồng, tùy vị trí công tác. Trong khi đó, phải mua BHXH nữa thì không còn bao nhiêu. Do vậy, cán bộ không chuyên trách khó mà an tâm làm việc khi thu nhập không đủ nuôi thân. Với mức thu nhập như trên, cán bộ xã sống đã khó khăn thì ở phường với mặt bằng đời sống ở một đô thị loại 1 càng khó khăn hơn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 cán bộ không chuyên trách. Ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, cho biết: “Không chuyên trách nhưng khối lượng công việc mà họ đảm nhận rất lớn. Nhiều  người là lao động chính của gia đình nên ngoài việc “vác tù và hàng tổng”, họ phải vất vả làm thêm để chi tiêu hàng tháng”. Chính vì lương quá thấp đã dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ở hầu hết các xã, phường trong toàn tỉnh. Ông Hồ Ngọc Châu cho rằng: “Công việc của cán bộ không chuyên trách ở xã tôi rất nhiều, làm cả ngày cũng không hết. Thế nhưng với mức thu nhập và quy định hạn chế như hiện nay đã gây nên tâm lý chán nản. Nhiều người có ý định từ bỏ công việc. Điều này không chỉ gây khó khăn cho hoạt động ở địa phương mà còn khó trong thu hút người tạo nguồn kế cận”.

 

Trong các buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội, cử tri trong tỉnh nêu khá nhiều ý kiến xoay quanh những bất cập trong Nghị định 92.

- Trong ảnh: Cử tri xã Nhơn An, huyện An Nhơn đang phát biểu.

Nghị định 92 quy định tách riêng mức lương đối với cán bộ đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn và cán bộ chưa qua đào tạo. Theo đó, cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện xếp lương chức vụ theo hệ số lương từ 1,75 - 2,35; ngoài ra, còn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức lương tối thiểu chung từ 0,15 - 0,3 (tùy theo chức vụ). Những người hiện đang đảm nhiệm chức danh công chức cấp xã chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì hưởng lương bằng 1,18 so với mức lương tối thiểu chung (quy định cũ là 1,09).

Nghị định cũng quy định rõ, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Thực tế cũng cho thấy, những người hoạt động không chuyên trách là những người gần dân nhất ở cơ sở. Họ vừa phải thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đến các cấp có thẩm quyền, vừa phải quản lý và giải quyết các công việc hàng ngày ở địa phương. Trong quá trình thực thi công việc, họ phải chịu sự giám sát trực tiếp hàng ngày của nhân dân. Nhưng, chế độ đãi ngộ đối với họ chưa thật sự tương xứng với những cống hiến về mặt xã hội mà họ đã làm, không động viên kịp thời để họ hăng say làm tốt nhiệm vụ được giao. Và bất cập nhất chính là trong khi người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân và các công ty cổ phần thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc, thì ở xã, cán bộ hoạt động không chuyên trách lại không được hưởng chế độ BHXH, BHYT. Với mức phụ cấp ít ỏi như hiện nay, cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

Lương thấp, nhiều cán bộ xã, phường, thị trấn rất khó bám trụ để làm việc, nuôi sống gia đình. Tư tưởng nghỉ việc đang có xu hướng tăng nhanh. Nhiều phường, xã hiện đang chịu áp lực vì thiếu cán bộ. Chính việc bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay không khuyến khích cán bộ cơ sở tích cực trau dồi năng lực chuyên môn nghiệp vụ, thiếu sự gắn bó với công việc. Thực trạng đó khiến cho xã, phường, thị trấn luôn thiếu cán bộ giỏi, thật sự tâm huyết và gắn bó với dân. Để có được một đội ngũ cán bộ cơ sở đủ đức, đủ tài, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, trong nhiều giải pháp đang thực hiện, thì chính sách tiền lương công bằng và hợp lý đang được cán bộ xã, phường hết sức trông chờ.          

  • C.Hiếu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ có sự điều chỉnh hợp lý hơn   (28/09/2011)
Nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ bảo vệ môi trường  (26/09/2011)
An Nhơn: Ngăn chặn lấn chiếm lòng, lề đường họp chợ   (17/09/2011)
Xây nhà trên đất của… người khác(!)  (17/09/2011)
Chế độ cho hội thẩm nhân dân: chờ!   (17/09/2011)
Văn hóa trong sử dụng hẻm chung  (14/09/2011)
Kiên quyết xử lý nếu phát hiện vi phạm  (14/09/2011)
Những mô hình tự quản nửa vời  (12/09/2011)
Cần nghiêm túc trong treo cờ Tổ quốc  (12/09/2011)
Ham rẻ, coi chừng “tiền mất tật mang”  (10/09/2011)
Đánh giày kiểu ... ăn cướp  (08/09/2011)
Rất ít bánh Trung thu dành cho trẻ con   (08/09/2011)
Cần được tăng cường   (07/09/2011)
“Sống trâu” nguy hiểm trên đường   (05/09/2011)
Cần xử nghiêm những “tử thần” trên đường phố  (05/09/2011)