Mưa lớn những ngày qua báo hiệu mùa bão lũ đã đến. Hẳn mọi người chưa quên trận lũ lụt năm 2010 đã nhấn chìm miền Trung trong biển nước, cuốn phăng nhiều nhà cửa, trâu bò, ngô lúa… của người dân và nghiêm trọng hơn, trận lũ ấy đã cướp đi mạng sống của gần 200 người, thiệt hại về vật chất hơn 10.000 tỉ đồng. Ở tỉnh ta, thiệt hại tuy không lớn so với các tỉnh nhưng trận lũ này cũng đã làm 4 người chết, hàng ngàn hộ bị ngập nước, nhiều ngôi nhà bị sập, với tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính trên 277 tỉ đồng.
|
Cần có phương án chủ động đối phó để giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra. |
Vẫn biết thiên tai là khó lường, nhưng thực tế, không ít trường hợp bị thiệt hại là do chủ quan, bất cẩn. Cụ thể, vào mùa mưa bão, nhiều gia đình, đơn vị chưa chủ động trong việc chằng néo nhà cửa, gia cố các công trình kết cấu hạ tầng, nên khi bão lũ ập đến thì “trở tay không kịp”. Điển hình, trận lũ năm ngoái, có trường học do chủ quan nên toàn bộ dàn máy vi tính đặt trong phòng học ở tầng một bị ngập trong nước. Nếu nhà trường, căn cứ vào bản tin dự báo thời tiết, chủ động đưa những máy vi tính này lên tầng hai, tầng ba trước đó một vài ngày thì dàn máy vi tính trị giá hàng trăm triệu đồng ấy đã không bị hỏng.
Vì thế, để phòng tránh và giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra, sẽ không là quá sớm khi ngay từ bây giờ, chính quyền địa phương và người dân cần có phương án chủ động đối phó với bão lũ, sẵn sàng các biện pháp phòng tránh khi mưa bão đến. Theo đó, khi nhận được tin mưa bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp, người dân phải khẩn trương chằng néo nhà cửa, giằng buộc mái nhà, nhất là với những nhà mái tranh, mái tôn; đồng thời, thu hoạch rau, hoa màu, chuẩn bị vật tư, nhu yếu phẩm, thuốc men, nước uống... ít nhất trong thời hạn đủ sử dụng trong một tuần lễ. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra cây cối quanh vườn nhà, nhất là những cây to, cao, loại bỏ các cành khô mục, cắt tỉa các cành nhỏ; kiểm tra độ an toàn của các thiết bị điện, kê cao vật dụng trong nhà...
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tổ chức lực lượng trực ban phòng chống lụt bão nghiêm túc, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhanh chóng thông báo để người dân chủ động đối phó; xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; kịp thời giúp dân sơ tán ra khỏi vùng lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đồng thời, bố trí lực lượng tại các bến đò, những đoạn đường giao thông dễ bị ngập nước để hướng dẫn giao thông; không cho người dân vớt củi, lội qua suối, đánh bắt cá... trên các sông, suối khi đang có lũ. Kiểm tra an toàn hồ đập và các công trình đang thi công, thực hiện nghiêm quy trình vận hành. Với các công trình có nguy cơ xảy ra sự cố phải khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu…
|