Kiểu chữa bệnh hoang đường
17:35', 8/3/ 2011 (GMT+7)

Thời gian gần nay, nhiều người từ các địa phương khác đã kéo về nhà ông Nguyễn Văn Năm (tức thầy Năm, trú ở thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước) để chữa bệnh. Điều đáng nói, kiểu chữa bệnh của thầy Năm vô cùng phi lý, mang nặng màu sắc mê tín dị đoan.

 

Người bệnh đứng, ngồi xung quanh thầy Năm để được thầy đoán và chữa bệnh.

 

* Chụp khuôn dấu vào vùng bệnh

Sáng 7.3, chúng tôi đến nhà thầy Năm để được “tận mục sở thị” cách chữa bệnh của thầy. Nơi thầy Năm ở, cũng là địa điểm chữa bệnh, là một ngôi nhà 2 tầng khang trang, nằm trên đoạn đường hẻm, cách tỉnh lộ ĐT 638 khoảng 100 m. Lúc chúng tôi đến, thầy đang ở tầng trệt để đón khách; trong khi đó, ở tầng trên, hơn 50 người đang ngồi chờ đến lượt để được thầy trị bệnh.

Thầy Năm khoảng trên 40 tuổi, cao to, khỏe mạnh, giọng nói nhỏ nhẹ. Hơn 9 giờ sáng, thầy bắt đầu lên tầng trên để hành lễ. Sau một hồi chuông và một vài câu khấn, thầy Năm bỗng “lột xác” thành một người khác. Ấy là lúc “mẹ” (đệ tử của thầy cho biết vậy) đã nhập vào, thầy thay đổi xiêm y bằng cách mặc một chiếc áo, quấn lên đầu một tấm khăn. Sau vài câu khấn bằng thứ tiếng gì không rõ, thầy ngồi xuống và bắt đầu chữa bệnh. Rất nhiều bệnh nhân ngồi vây quanh và cố chen lấn vào bên trong để được thầy làm phép trị bệnh.

Bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông khoảng 30 tuổi, mắc bệnh gan giai đoạn cuối. Sau một hồi nhìn ngắm người bệnh, “mẹ” phán một tràng bằng tiếng của nước nào không biết, để nói về bệnh tình của người đàn ông này. Có lẽ sợ người bệnh không hiểu, ngay sau đó, thầy tự mình phiên dịch ra tiếng Việt để người bệnh và người nhà cùng nghe. Theo “mẹ”, người đàn ông này không thể sống quá 1 con trăng nữa (không quá 1 tháng) do bệnh đã quá nặng. Tuy nhiên, nếu thành tâm cầu nguyện và kiên trì uống thuốc do thầy bốc, thì vẫn còn chút hy vọng (?).

Đồng thời với những lời phán, một tay thầy Năm cầm một con dấu (kiểu con dấu các cơ quan, đơn vị vẫn hay dùng) liên tục ấn vào vùng bụng của bệnh nhân; tay kia cầm 3 nén nhang hơ vào nơi vừa đóng dấu. Cùng với đó, 2 đệ tử của thầy (là đàn ông, chừng 40 tuổi) tưới rượu vào nơi vừa được thầy đóng dấu và hơ nhang. Cuối cùng, thầy cho người đàn ông mắc bệnh gan nọ uống một ly hỗn hợp giữa nước, một loại bột màu xám tro và tàn tro của 3 nén nhang. Theo lời “phán” của thầy, đó là nước thánh, nếu không uống, “mẹ” sẽ không “hiển linh” để phù hộ, độ trì cho mau hết bệnh.

Cứ vậy, thầy Năm tiếp tục việc đoán và trị bệnh cho những bệnh nhân tiếp theo. Điều hết sức phi lý và hoang đường là, bất kỳ bệnh gì, từ đau gan, đau bụng, đau đầu, đau khớp, đau mắt… và kể cả những người bị bệnh tâm thần, thầy đều dùng cùng một phương pháp chữa trị nói trên. Duy chỉ khác một điều, người nào đau ở đâu thì thầy đóng dấu, hơ nhang, tưới rượu vào chỗ đó.

Trong lúc thầy chữa bệnh, ở bên ngoài, luôn có 2-3 đệ tử đi đi, lại lại, nhắc nhở những người bệnh còn ở bên ngoài nhanh chân chen vào gần thầy để được đoán và trị bệnh; còn nếu “mẹ” thăng (thoát khỏi xác thầy Năm) thì phải đợi đến ngày mai mới được “mẹ” tiếp tục “hiển linh” để điều trị.

* Chính quyền địa phương: Cần nhanh chóng vào cuộc

Theo quan sát của chúng tôi, trong lúc chữa bệnh, cùng với những lời “phán” bằng tiếng của nước nào không rõ, thầy luôn miệng nhắc bệnh nhân và người nhà (bằng tiếng Việt) là phải tin tuyệt đối vào “mẹ”, có vậy, mới linh nghiệm. Cùng với việc thực hiện những động tác chữa bệnh vừa kể trên, thầy còn cho bùa để về nhà trừ tà ma, bán thuốc để về uống và cho bệnh nhân xin xăm để cúng giải hạn. Người bệnh rút phải xăm đề bao nhiêu “ngân” (từ 5 đến 10 “ngân” - đơn vị tính của “mẹ”), nghĩa là họ phải cúng số tiền tương ứng từ 5 triệu đến 10 triệu đồng để được giải hạn.

Chú Lâm (trú ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước), người có vợ, 2 người con từng có thời gian “qua tay” thầy Năm chữa bệnh, kể: Con gái lớn của chú đau ở chân thì thầy Năm phán rằng bị “trúng tên”, phải mua 9 lọ thuốc (mỗi lọ 100 ngàn đồng, cộng với 20.000 đồng tiền công đi lấy thuốc) để uống. Còn con trai của chú bị đau đầu, thầy “phán” bị “mắc đàng dưới” (người cõi âm theo) nên cũng phải mua 7 lọ thuốc (theo quan niệm nam 7 vía, nữ 9 vía), uống mới khỏi, nếu chưa khỏi thì tiếp tục mua với liều lượng như trên để uống, tới khi nào bớt thì thôi. Nhiều bệnh nhân khác cho biết thêm, khi họ tới chữa bệnh, cũng được thầy “phán” những điều tương tự như trên.

Chiều 7.3, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Công an xã Phước An, cho biết: Thầy Năm có tên thật là Nguyễn Văn Năm. Trước đây, ông Năm từng bị bệnh; một thời gian sau khi khỏi bệnh, ông trở thành “thầy” và lén lút chữa bệnh bằng hình thức mê tín dị đoan tại địa phương. Công an xã đã nắm được thông tin này, nhưng do chưa bắt được quả tang, việc chữa bệnh chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nên chưa thể xử lý (?).

Tuy việc chữa bệnh của ông Nguyễn Văn Năm chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nào như lời của Trưởng Công an xã, nhưng với hình thức chữa bệnh mê tín dị đoan nói trên, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Còn người dân, đừng vì quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” mà tin vào kiểu chữa bệnh hoang đường của thầy Năm, để rồi phải rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.  

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huyện sẽ xây nhà ăn cho học sinh nội trú  (04/03/2011)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (04/03/2011)
Cần được xử lý dứt điểm!  (03/03/2011)
Đi xe máy không đội mũ bảo hiểm   (28/02/2011)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (25/02/2011)
Khu đất trồng cây xanh bị bỏ hoang   (25/02/2011)
Nên khôi phục lại tuyến xe buýt Bồng Sơn - Quy Nhơn  (25/02/2011)
Triệu tập con trưởng thôn đánh công an viên  (25/02/2011)
Dân than trời vì mùi hôi  (24/02/2011)
Lại phá hoại hoa màu  (22/02/2011)
Lấn chiếm khu du lịch, dựng lều mua bán  (18/02/2011)
Đã nạo vét mương thoát nước bị ô nhiễm   (18/02/2011)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (18/02/2011)
Mất tình anh em chỉ vì cái ban công  (17/02/2011)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (12/02/2011)