Cẩn thận với trò lừa đánh giày
21:39', 5/4/ 2011 (GMT+7)

Nên cẩn thận khi được những người đánh giày dạo mời đánh giày (ảnh chỉ mang tính minh họa).

“Khi đánh giày nhớ hỏi giá” - câu nói nằm lòng ấy vẫn không giúp nhiều quý ông thoát khỏi cái bẫy lừa mà một số người đánh giày dạo giăng ra.

Một ngày đầu tháng 4, tôi cùng cậu bạn có việc phải về quê. Trên chặng đường dài từ Quy Nhơn về Phù Cát, chúng tôi nghỉ chân bên một quán giải khát ở ngã tư thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Chưa kịp ngồi nóng ghế, một thanh niên chừng 18 tuổi, khuôn mặt khá bặm trợn, xồ tới: “Đánh giày đi hai anh trai. Giày của anh đánh mà không sạch, không đẹp, thằng em không lấy tiền!”.

Dù tôi đã can ngăn, nhưng trước sự mời mọc đon đả của cậu thanh niên nọ, anh bạn tôi đồng ý “mông má” lại cho đôi giày của mình với ý nghĩ, đánh mỗi đôi giày như thế chỉ mất 10.000 đồng là cùng.

Sau khi giày đánh xong, cậu thanh niên kia xách giày lại và bảo giày bị xước, hở da, đế mòn, nên đã được làm lại cho đẹp và chắc hơn. Hỏi giá bao nhiêu, cậu ta bảo phải trả 80.000 đồng gồm tiền đánh giày 10.000 đồng, thay lót giày của Mỹ 50.000 đồng và 20.000 đồng tiền dán giày bị hở mõm.

Anh bạn tôi vừa mở miệng phân trần, rằng giày còn mới, lót giày cũng mới, thì cậu thanh niên đánh giày nọ ngay lập tức đốp chát, bảo đã thay lót rồi, bóc vỏ rồi, không đổi lại nữa, còn giày đúng là bị hở mõm. Sau một hồi kiểm tra, anh bạn tôi mới “té ngửa”, vì đúng là có vết keo dán thật, nhưng đó là do người đánh giày đã kéo giày cho hở ra rồi đổ keo vào.

Người bạn đồng hành của tôi nổi cáu, đòi trả nguyên hiện trạng đôi giày như ban đầu. Ngay lập tức, cậu thanh niên đánh giày nọ xộc tới, dằn mặt: “Giày đánh và sửa rồi, có ngon thì đừng trả tiền!”. Vừa nói dứt câu, 4-5 thanh niên không biết ở đâu chạy tới, vây lấy xung quanh chúng tôi và gây áp lực để đòi tiền. Nhắm tình hình không ổn, tôi vội rút tiền ra trả, rồi nhanh tay kéo anh bạn nhảy lên xe chạy thẳng.

Theo tìm hiểu, chuyện giới đánh giày dạo “lật lọng” rồi vòi tiền của khách không phải là mới. Một chủ cửa hàng giải khát trên đường Đô Đốc Bảo (TP Quy Nhơn) cho biết, chị đã không ít lần chứng kiến đám thanh niên đánh giày lôi kéo khách rất thô bạo, buộc phải trả tiền với giá trên trời, khiến nhiều người bất bình. Nhiều khách hàng sơ ý không hỏi giá từ đầu nên đã mắc phải bẫy lừa.

Theo anh Thành Trí, nhân viên giữ xe một quán café trên đường Phạm Hùng (TP Quy Nhơn), những thanh niên đánh giày này thường hoạt động theo nhóm và đều thuộc dạng có “số má”. “Gặp khách không hỏi giá trước, khi đánh giày xong, chúng ngọt nhạt xin tiền với giá trên trời. Nếu khách nào phản ứng, chúng không ngần ngại chửi bới, thậm chí kêu đồng bọn đến hỗ trợ. Nhiều lúc khách bị hét giá trên trời nhưng vẫn phải trả tiền vì sợ ra đường bị chặn đánh”- anh Trí cho biết. Cũng theo anh Trí, nếu khách sơ ý, giới đánh giày dạo còn bẻ gót giày, rạch đế để ép khách phải bỏ tiền sửa chữa.

  • Minh Nguyễn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (01/04/2011)
Ngày càng phổ biến  (31/03/2011)
Cảnh giác với chiêu “móc” tiền qua điện thoại  (31/03/2011)
Hành nghề mê tín dị đoan giữa chợ  (31/03/2011)
Cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường   (30/03/2011)
Phản hồi bài báo “Tôi đi nộp thuế - hành trình gian khổ”  (29/03/2011)
Đê Nam thường xuyên sạt lở  (29/03/2011)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (25/03/2011)
Phơi… bụi   (25/03/2011)
Lại rộ lên nạn khai thác cát trái phép  (22/03/2011)
Cần đảm bảo an toàn khi vận chuyển cát, đất  (21/03/2011)
Rác vứt bừa bãi ven đường   (18/03/2011)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (18/03/2011)
Tôi đi nộp thuế - hành trình gian khổ   (11/03/2011)
Bạn đọc giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (11/03/2011)