Sau Tết Tân Mão đến nay, trên địa bàn huyện Phù Cát, nhất là ở các địa phương nằm ven Núi Bà và có rừng dương phòng hộ ven biển, nhiều người đã đến đào các loại cây rừng như: sanh, trắc, lộc vừng, dương liễu… về làm cây cảnh và đã hủy hoại đáng kể tài nguyên rừng.
|
Cây lộc vừng cổ thụ đã bị những người “săn kiểng” đốn hạ tại Núi Bà, đang chuẩn bị được chuyển xuống đồng bằng.
|
Những năm gần đây, phong trào chơi cây cảnh khai thác từ cây rừng khá phổ biến trên phạm vi cả tỉnh và cả nước. Cây rừng hiện được đưa vào kinh doanh, mua bán, trao đổi tùy theo thế, dáng của cây, với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Cây càng to, kiểu dáng đẹp thì giá càng cao. Bởi vậy, nhiều người đã cố tình phá rừng để hưởng lợi. Họ ngụy trang, lén lút vào tận đầu nguồn rừng phòng hộ để khai thác, rồi thuê hàng chục người mở đường trên núi đem cây xuống, thuê cả xe cẩu, ô tô chở về. Để mở đường đưa một cây rừng kích thước lớn về được xuống đồng bằng, họ đã phát dọn, triệt phá hàng trăm cây rừng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng.
Một người dân ở xã Cát Hải cho biết: Trước đây, rừng Cát Hải có nhiều cây sanh, trắc gai, lộc vừng từ hàng chục đến hàng trăm năm tuổi, mọc dọc theo các con suối ở rừng đầu nguồn. Những cây này có bộ rễ chắc bám vào lòng đất, có tác dụng chống xói mòn và giữ nước. Bây giờ, những cây rừng này đã bị bứng hết, kể cả cây nhỏ, nên nguy cơ bị lũ quét là khó tránh khỏi. Chính quyền, lực lượng chức năng tuy biết nhưng việc phối hợp để ngăn chặn lại thiếu đồng bộ, nên số vụ việc bị phát hiện, xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người đào cây rừng về trồng ngay trong khuôn viên nhà mình, rồi trao đổi, mua bán nhưng vẫn không hề bị xử lý. Điều này đã kích thích nhiều người thi nhau vào rừng để khai thác cây cội.
Để ngăn chặn triệt để việc khai thác cây rừng làm cây cảnh cần có những giải pháp đồng bộ. Ngoài việc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng, cần có chính sách khen thưởng xứng đáng những ai cung cấp thông tin kịp thời cho ngành chức năng những trường hợp khai thác, vận chuyển các loại cây cội có nguồn gốc từ rừng làm cây cảnh, hoặc mua bán, trao đổi; đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm minh với những hành vi vi phạm. Mặt khác, cần xây dựng và triển khai quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương có rừng với ngành chức năng một cách đồng bộ hơn từ tuần tra, ngăn chặn việc khai thác bừa bãi các loại cây rừng, đến tuyên truyền để làm cho mọi đối tượng hiểu được việc khai thác cây rừng làm cây cảnh là vi phạm pháp luật và từ bỏ hành vi đào phá cây rừng; đồng thời, làm cho mọi người dân hiểu được công tác bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường là vấn đề bức thiết và bảo vệ màu xanh của rừng là bảo vệ sự sống của mỗi chúng ta.
|