10 hộ dân có nhà nằm dọc theo bờ sông Côn (thuộc thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát) đang lo lắng trước thông tin nhà của họ sẽ nằm ngoài tuyến đê chống lũ sắp được xây dựng tại khu vực này.
|
Ông Tân, anh Lâm, anh Thanh (từ phải qua) đang lo lắng trước thông tin nhà của họ sẽ nằm ngoài tuyến đê chống lũ sắp được xây dựng.
|
Những ngày gần đây, 10 gia đình với gần 50 nhân khẩu sống ven bờ sông Côn (thuộc thôn Hưng Trị) như “ngồi trên đống lửa” trước thông tin Nhà nước sẽ xây dựng một tuyến đê chống lũ tại đây (người dân địa phương thường gọi là đê Hà Bá, thuộc hạ lưu đập Lão Tâm). Người dân lo lắng là bởi, theo quy hoạch, tất cả nhà của 10 hộ này sẽ nằm ngoài tuyến đê. Trong khi đó, vào mùa mưa, nơi đây thường xuyên bị ngập chìm trong nước lũ. Và khi tuyến đê nằm phía trong cụm dân cư được dựng lên, nước lũ không còn lối thoát, gần 50 con người sống ở ngoài đê sẽ càng nguy hiểm hơn mỗi khi nước tràn về.
Ông Trình Văn Tân (76 tuổi, ở thôn Hưng Trị), cho biết: “Tôi sống ở đây đã hơn 30 năm. Cứ đến mùa mưa là thấp thỏm bởi nước lũ tràn về gây xói lở đất, ngập nhà cửa, đe dọa đến tính mạng cả nhà. Những lúc đó, tất cả người dân ở đây đều phải di dời đi nơi khác để được an toàn. Được tin Nhà nước làm đê chống lũ, tôi rất vui, nhưng khi biết được nhà của 10 hộ dân chúng tôi nằm phía ngoài tuyến đê thì nỗi lo lắng lại càng tăng thêm”.
Theo anh Lê Thanh Lâm (ở thôn Hưng Trị) thì trước đây có đoàn cán bộ về khảo sát khu vực này để làm đê. Theo đó, tuyến đê Hà Bá dự kiến được xây dựng phía bên ngoài nhà của 10 hộ dân. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, cuối cùng Nhà nước lại quyết định làm tuyến đê nằm phía trong cụm dân cư, “bỏ rơi” 10 hộ dân ra bên ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Thắng, cho biết: Tuyến đê này do UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 4,2 tỉ đồng. Nếu làm theo phương án cũ (hệ thống đê nằm phía ngoài cụm dân cư), vào mùa mưa bão sẽ đảm bảo an toàn cho 10 hộ dân nói trên. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này sẽ có một đoạn đê phải làm mới hoàn toàn, kinh phí vượt số vốn cho phép. Do vậy, chủ đầu tư quyết định làm theo phương án mới (hệ thống đê nằm phía trong cụm dân cư), bởi như vậy, sẽ lợi dụng được tuyến đê tạm bằng đất đã có từ trước để đảm bảo kinh phí đầu tư.
|
Nếu xây dựng đê tại vị trí này, nhà ở của 10 hộ dân sẽ được an toàn vào mùa mưa lũ do được tuyến đê nằm ngoài bảo vệ.
|
Cũng theo ông Thanh: “Về góc độ địa phương, tôi đã đề xuất chủ đầu tư nên xây dựng hệ thống đê nằm ngoài nhà ở của 10 hộ dân để đảm bảo an toàn cho họ vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, làm ở vị trí nào là do chủ đầu tư quyết định, chúng tôi không thể can thiệp được. Theo kế hoạch, tuyến đê này sẽ được thi công vào đầu tháng 5 tới. Khi đó, 10 hộ dân nằm phía ngoài đê sẽ phải chấp nhận “sống chung với lũ” mỗi khi mùa mưa đến” (!)
Anh Trình Văn Thanh, một trong 10 hộ dân trên, lo lắng: “Nhà nước đã quan tâm làm đê chống lũ, chúng tôi rất biết ơn. Nhưng làm đê mà bỏ 10 hộ dân chúng tôi ra ngoài thì sẽ rất nguy hiểm, không biết mùa mưa bão sắp đến sẽ ra sao đây. Tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm, đầu tư thêm kinh phí để làm tuyến đê nằm phía ngoài cụm dân cư, để chúng tôi được “an cư lạc nghiệp” và an toàn khi có mưa lũ”.
Phản ảnh vấn đề này, mong chính quyền và ngành chức năng cân nhắc sự an sinh của các hộ dân nói trên.
|