Những tháng qua, nạn khai thác cát trái phép trên các lưu vực sông thuộc địa bàn huyện Phù Cát xuất hiện trở lại. Vấn nạn này đang đe dọa đến chân đê Khu Đông.
Tháng 4.2005, dự án Giảm thiểu rủi ro thủy tai ở Bình Định được triển khai nhằm kiên cố đê Khu Đông. Sau hơn một năm thi công, tháng 6.2006, tuyến đê trên ngang qua địa bàn Tuy Phước, Phù Cát và Quy Nhơn được nâng cấp thêm 6 km, đưa vào sử dụng từ năm 2006 và đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát lũ, bảo vệ các khu dân cư an toàn.
|
Khai thác cát trái phép bên chân đê Khu Đông thuộc hạ lưu sông Đại An. |
Thời gian gần đây, nhất là năm 2010, huyện Phù Cát tăng cường chống nạn khai thác cát trái phép trên sông Đại An thuộc 2 xã Cát Tiến và Cát Thắng, nên các máy bơm cát đã chuyển sang hoạt động phía hạ lưu thuộc địa bàn xã Cát Chánh, giáp ranh xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) gây nguy cơ sạt lở đê khu Đông.
Ông Đặng Ngọc Thái, Đội trưởng Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều thuộc Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần có công văn đề nghị 2 xã Cát Chánh và Phước Thắng xử lý nạn khai thác cát trái phép. Năm 2010, xã Cát Chánh đã bắt và xử lý một máy bơm cát trái phép. Sau đó, việc khai thác cát trái phép có “lắng xuống” một thời gian. Vậy nhưng, gần đây, các máy khai thác cát hoạt động mạnh trở lại, ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình đê. Mong chính quyền hai địa phương trên sớm có biện pháp ngăn chặn triệt để”.
Điểm khai thác cát trái phép hoạt động mạnh nhất là ở phía trên tràn Lão Lễ và cách đập dâng Văn Mối về phía hạ lưu chừng 100 m. Những máy bơm cát đặt nổi trên sông, cách bờ 5-20 m, ở khu vực này hoạt động suốt ngày. Ông Tám, một người dân ở đây, bức xúc: “Chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ vừa rồi mà tôi đếm mỗi ngày ít nhất 30 lượt xe tải, chưa kể xe công nông, đến mua cát chở đi. Do tuyến đê từ đập dâng Văn Mối lên cầu Đập Chùa đang thi công nên họ lái xe theo tuyến đê Đông qua xã Phước Thắng rồi lên tỉnh lộ 640. Người dân đã phản ánh nhiều lần, nhưng chính quyền xử phạt không nghiêm, nên họ đâu có sợ!”.
Những máy khai thác cát trái phép đều nằm ở khu vực giáp ranh giữa xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) và xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước). Đê thì do xã Cát Chánh quản lý, nơi ở của những người khai thác cát trái phép là tại xã Phước Thắng, nên nếu chính quyền 2 xã không phối hợp thì không thể giải quyết dứt điểm được. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, bộc bạch: “Chúng tôi biết thế nhưng không thể xử lý được bởi điểm khai thác cát trái phép nằm bên xã Cát Chánh. Còn việc các xe tải chở nặng gây hỏng đường bê tông thì xã không có quyền chặn xe”.
Còn ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, cho rằng: “Xã đã đề xuất 2 địa phương vùng giáp ranh phối hợp xử lý, nhưng chỉ xã không thôi chưa đủ, mà cần có sự phối hợp giữa ngành chức năng hai huyện và Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh mới ngăn chặn được rốt ráo nạn khai thác cát trái phép”.
Khai thác cát bừa bãi không những vi phạm Pháp lệnh Đê điều mà còn tạo nhiều hố sâu làm rỗng chân đê, tạo nguy cơ sạt lở đê sông, vỡ đê trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, còn làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến nhà cửa, vườn tược của người dân. Người dân khu vực này đề nghị ngành chức năng và chính quyền các địa phương có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời và hiệu quả.
|