Tỉnh lộ 636 dài 21 km đang ngày đêm oằn mình, cõng trên lưng lượng phương tiện giao thông quá tải; do vậy, con đường cũng luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc.
* Giao thông không an toàn
Tỉnh lộ 636 nối từ xã Tây Bình (Tây Sơn) đến xã Nhơn Thành (An Nhơn) hiện có nhiều đoạn hư hỏng nặng; nhất là đoạn chạy qua thị tứ Mỹ An (Tây Bình) và Kiên Long (xã Bình Thành) thuộc huyện Tây Sơn. Do đường thường xuyên bị ngập sau mưa nên có nhiều ổ gà, ổ trâu, ổ voi; những cái hố trũng, sâu hoắm giữa đường như những cái bẫy chờ sẵn người đi đường.
|
Họp chợ lấn ra giữa đường gây mất an toàn giao thông trên tỉnh lộ 636 (ảnh chụp tại ngã ba Hồ, xã Bình Thành). |
Hiện tại, đoạn đường chạy qua thị tứ Mỹ An đang được sửa chữa, nhưng đường làm chưa xong, một số chỗ đã hỏng. Số là khi thi công, nhà thầu chia đôi con đường để sửa chữa, nửa bên này đổ bê tông thì nửa bên kia dành cho giao thông và ngược lại. Vậy nên, nửa phần đường thi công vừa xong đã đưa vào sử dụng ngay nên gây lún, vỡ và lở lói. Ngoài hai đoạn đường nói trên, tỉnh lộ 636 còn có nhiều chỗ lún nguy hiểm khác; như những chỗ giáp ranh giữa đường nhựa và đường bê tông, giữa cầu và đường. Đây là những lỗi kỹ thuật rất cơ bản nhưng các nhà thi công không khắc phục.
Họp chợ gây ùn tắc giao thông trên tỉnh lộ 636 cũng là vấn đề bức bối. Đầu tiên phải kể đến là chợ Trường Định (Bình Hòa - Tây Sơn). Chợ này quay mặt ra tỉnh lộ 636, có nhiều người ra vào, mua bán, nhiều phương tiện chen nhau gây ra ách tắc giao thông lâu năm không giải quyết được. Thật ra, chợ Trường Định không hề quá tải. Mặt bằng chợ cao, thoáng, diện tích rộng, thừa chỗ cho người tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa. Nhưng người và hàng vẫn cứ tràn ra đường gây tắc nghẽn giao thông. Nguyên nhân là do tâm lý “bày hàng hóa gần đường sẽ đông người mua”- như lời một chị tiểu thương ở chợ tâm sự. Thứ hai, là chuyện tự phát họp chợ giữa đường tại ngã ba Hồ (thôn Kiên Ngãi) và trước Trụ sở HTXNN Kiên Long thuộc địa bàn xã Bình Thành. Đây là hai điểm mất an toàn giao thông vào loại bậc nhất trên tỉnh lộ 636. Cứ mỗi sớm, tại hai địa điểm này, người mua kẻ bán, hàng hóa, xe cộ và trâu bò tràn cả ra đường, chặn cả lối đi lại.
Cũng trên tỉnh lộ 636, vào vụ thu hoạch, người dân đặt máy tuốt lúa thường xuyên trên đoạn đường thuộc địa phận xã Bình Hòa. Bức xúc nhất là rơm rạ và nước bẩn liên tục nhả ra từ họng máy tuốt lúa. Mùa khô đã vậy, vào mùa mưa, rơm rạ vẫn ngổn ngang trên đường; khiến người đi đường không biết đâu là mặt đường bê-tông đâu là taluy đất, nguy cơ tai nạn luôn rình rập. Mùa mưa tháng 11 năm 2010, trên con lộ này, đoạn chạy qua cánh đồng xã Bình Hòa, đã xảy ra 2 vụ TNGT làm lật ô tô, gây thương tích cho người. Còn những vụ TNGT, va quẹt giao thông bằng xe máy cũng xảy ra khá nhiều trên tuyến đường này.
|
Trời nắng nóng, nhưng trên tỉnh lộ 636 vẫn còn một số đoạn lầy lội (ảnh chụp tại thị tứ Mỹ An, xã Tây Bình). |
* Đường... trốn phí (?)
Khi tỉnh lộ 636 chưa bê tông và nhựa hóa, đường còn nhỏ hẹp, gồ ghề và mịt mù khói bụi, phương tiện tham gia giao thông không đáng kể. Ngày ấy, chúng tôi thường ví 636 như con lươn đỏ. Từ ngày “lươn đỏ” trở thành con rắn cạp nong khoanh đen (đoạn rải nhựa) khoanh trắng (đoạn đổ bê tông), lưu lượng xe cộ tham gia giao thông trên đường tăng lên đột biến. Cũng kể từ đó, tỉnh lộ 636 đã trở thành cơ hội hợp pháp cho nhiều phương tiện giao thông trốn phí. Bởi, khi đi tắt qua tỉnh lộ 636 để lên các tỉnh Tây Nguyên, các bác tài đã “bỏ qua” được trạm thu phí Nhơn Tân. Trong khi đó, đường 636 lại trở nên quá tải không đáng có, vì kiêm cả chức năng của một đường… quốc lộ (?!).
Hệ quả của sự quá tải này là sự thất thoát một khoản kinh phí không nhỏ cho ngân sách. Bởi hằng ngày, có hàng trăm lượt phương tiện trốn phí đi qua 636. Và cái mất lớn hơn, là con đường đang từng ngày, từng giờ xuống cấp nghiệm trọng…
Đề nghị các ngành chức năng có sự xem xét, đánh giá; từ đó, có biện pháp giải quyết những vấn nạn trên con đường này, trả lại sự bình yên cho một tuyến tỉnh lộ.
|