Dù lớp đào tạo nghề đúc, chạm khảm tam khí do Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Ngọc Lan thực hiện tại thôn Bằng Châu đã kết thúc cách đây hơn 1 năm nhưng những lùm xùm xung quanh lớp đào tạo này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Dư luận địa phương mong muốn các cơ quan chức năng kiểm tra và sớm có kết luận chính thức về vấn đề này.
|
Danh sách 100 học viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa học nghề đúc, chạm khảm tam khí tại thôn Bằng Châu do DNTN Ngọc Lan thực hiện.
|
* 10 hay 100 học viên theo học?
Năm 2009, DNTN Ngọc Lan, thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá (An Nhơn) được Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 90 triệu đồng và UBND huyện An Nhơn hỗ trợ 20 triệu đồng để thực hiện đề án đào tạo nghề đúc, chạm khảm tam khí. Lớp đào tạo nghề được triển khai tại thôn Bằng Châu trong thời gian 3 tháng; đào tạo nghề cho 100 học viên, đa số là lao động tại địa phương.
Đến nay, dù đề án đã kết thúc hơn 1 năm, nhưng dư luận địa phương vẫn xôn xao về những hạn chế của lớp đào tạo này. Theo một số người phản ảnh, lễ khai giảng (ngày 24.9.2009) được DNTN Ngọc Lan tổ chức rất hoành tráng nhưng sau đó không thể tiến hành dạy vì chưa… có thầy. Mãi một thời gian sau, DN mới thuê được thầy ở tỉnh Thái Bình vào hướng dẫn. Tuy nhiên, thay vì học nghề chạm khảm tam khí, các học viên chỉ được thầy truyền cho kỹ thuật gò chạm đồng. Đặc biệt hơn, số học viên theo học chỉ đếm trên đầu ngón tay (không tới 10 học viên).
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Ngọc - thành viên của DNTN Ngọc Lan, khẳng định: “Lớp đào tạo nghề đúc, chạm khảm tam khí thực hiện đúng như kế hoạch của đề án. Thông tin lớp học chỉ đào tạo không tới 10 học viên là thiếu cơ sở. Nghề gò chạm đồng và chạm khảm tam khí thực chất chỉ là một”. Cũng theo ông Ngọc, thời gian đầu, việc triển khai đề án gặp một số khó khăn như giáo viên vào trễ; số lượng học viên theo học không đều. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã kịp thời phối hợp với Phòng Kinh tế huyện An Nhơn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm KC&TVPTCN) tỉnh tìm cách tháo gỡ. Qua 2 đợt tổ chức, lớp có 105 học viên theo học và khi kết thúc, 100 người đã được cấp giấy chứng nhận nghề. Hiện nay, do đầu ra của các sản phẩm chạm khảm tam khí còn khó khăn nên một số học viên phải quay lại với nghề đúc truyền thống tại địa phương.
* Cần sớm có kết luận
Dư luận địa phương cho rằng, DNTN Ngọc Lan đã “phù phép” để có được danh sách số lượng học viên đúng như đề án. Trên thực tế, số học viên thực học chỉ vài ba người và đề án đào tạo nghề đúc, chạm khảm tam khí không đạt được kết quả như mong muốn.
Được biết, ngày 14.12.2009, đại diện Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh, Phòng Kinh tế huyện An Nhơn và DNTN Ngọc Lan đã có buổi làm việc để giải quyết một số vướng mắc tại lớp đào tạo nghề. Theo đó, lớp chưa thực hiện được những tiêu chí trong đề án đề ra như chưa đủ số lượng học viên, giáo viên dạy nghề vào chậm. Tuy nhiên, Quỹ khuyến công quốc gia phải quyết toán kinh phí hỗ trợ trong tháng 12.2009 nên các đơn vị liên quan tạm thời lập thủ tục để thanh, quyết toán trước ngày 15.12.2009 (?!). DNTN Ngọc Lan tiếp tục triển khai lớp đào tạo nghề đến hết ngày 30.1.2010; đồng thời, tích cực vận động học viên tham gia để đảm bảo số lượng… Ngoài buổi làm việc này, các đơn vị có liên quan còn tổ chức một số cuộc họp khác cũng với mục đích giải quyết những vướng mắc tại lớp đào tạo nghề.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện An Nhơn, những năm qua, nhiều lớp đào tạo nghề ở nông thôn được mở ra để phát triển các làng nghề cũ và du nhập nghề mới, nhưng hiệu quả chưa cao. Nhiều lớp học được tổ chức còn mang tính đối phó và lớp đào tạo nghề đúc, chạm khảm tam khí này cũng nằm trong tình trạng trên.
Ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh, cho biết, đề án lớp đào tạo nghề đúc, chạm khảm tam khí do DNTN Ngọc Lan triển khai được thực hiện theo Quyết định số 2085/QĐ - BCT ngày 29.4.2009. Khoản kinh phí của Quỹ khuyến công quốc gia được hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp; doanh nghiệp chịu trách nhiệm thuê giáo viên, mua các phương tiện, nguyên vật liệu phục vụ dạy và học. “Đầu tháng 6.2011, các cơ quan chức năng sẽ làm việc để xem xét và có kết luận cụ thể về vấn đề này”- ông Tài cho biết.
Vậy, hiệu quả triển khai đề án này như thế nào? Dư luận cần câu trả lời chính xác nhất từ các cơ quan chức năng với mong muốn việc triển khai các hoạt động khuyến công thực sự góp phần hỗ trợ quá trình phát triển của các làng nghề truyền thống.
|