Khoảng 4 tỉ đồng trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh để đầu tư xây dựng 97 điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em vùng nông thôn và vùng khó khăn. Nhưng hầu hết các điểm vui chơi trẻ em này lại vắng bóng… trẻ em.
Điểm vui chơi trẻ em không có… trẻ em
Hiện nay, Bình Định đã có 92 điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, 5 điểm đang đầu tư trong năm 2011. Đây là điều kiện cho trẻ vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận với các hoạt động vui chơi, giải trí.
|
Nhiều điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em bị hư hỏng, hoang vắng, cỏ mọc um tùm. |
Điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em được các địa phương chọn lắp đặt tại trung tâm, nằm trong địa bàn nơi dân cư, có nhiều trẻ em hưởng lợi nhằm giúp trẻ được sinh hoạt, vui chơi giải trí. Những điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em gắn với các lớp mẫu giáo, trường học phát huy hiệu quả sử dụng tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, điểm vui chơi trẻ em ở nhiều nơi chỉ là... bãi đất trống, trang thiết bị sơ sài, nghèo nàn. Hầu hết các điểm này đều thiếu thiết bị vui chơi hoặc có nhưng đã nhanh chóng bị hư hỏng; chất lượng, quy cách thiết bị chưa đảm bảo độ bền, độ an toàn.
Tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, có 1 điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em nằm trên khu đất đẹp ngay cạnh UBND xã. Công trình này được đầu tư 30 triệu đồng để lắp đặt thiết bị trò chơi; UBND xã Tây Phú bố trí mặt bằng và 30 triệu đồng để xây tường rào, cổng ngõ. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết: “Thời gian đầu, xã thuê người trông coi mở cửa phục vụ trẻ. Nhưng chỉ một năm sau thì số thiết bị vui chơi không còn gì, cỏ mọc um tùm nên đành bỏ phế! Có thiết bị hỏng lộ cả kết cấu sắt, đến người lớn còn sợ thì ai dám cho con trẻ vào chơi”.
Đến nay, huyện Tây Sơn có 10/11 xã, thị trấn được đầu tư các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nhưng trừ 2 điểm ở Bình Tường và Tây Xuân mới được đầu tư từ năm 2008 trở lại đây hoạt động tương đối, 11 điểm còn lại đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng.
Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết, ngoài các điểm được đầu tư xây dựng mới từ năm 2007-2010, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em được lắp đặt trước đó đã hư hỏng 30-50%.
Tránh lãng phí
Các điểm vui chơi trẻ em được đầu tư với mục đích tạo sân chơi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn, nhưng trên thực tế, trẻ lại không mấy mặn mà tới các điểm vui chơi này. Một số nơi, dù đã “có vỏ” ban đầu nhưng các thiết bị hoạt động lại quá đơn điệu. Hơn thế, dù đã có đến 97 điểm vui chơi dành cho trẻ em ở các xã, phường nhưng đến nay, tiêu chí chuẩn làm cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống này vẫn chưa được xây dựng.
Bên cạnh sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, bài toán khó còn ở mức kinh phí đầu tư cho các điểm vui chơi, giải trí cho thiếu nhi còn thiếu; việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị đồ chơi tại các điểm này gần như không có.
Điểm vui chơi trẻ em ở nhiều nơi chỉ là... bãi đất trống, trang thiết bị sơ sài, nghèo nàn. Hầu hết các điểm này đều thiếu thiết bị vui chơi hoặc có nhưng đã nhanh chóng bị hư hỏng; chất lượng, quy cách thiết bị chưa đảm bảo độ bền, độ an toàn. |
Ông Phan Như Hải cho biết: “Dù các địa phương đã cam kết tổ chức giám sát, bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị sau khi được lắp đặt, đảm bảo duy trì hoạt động cho các điểm này, nhưng đến giờ, chưa địa phương nào dành kinh phí để duy tu, sửa chữa các thiết bị vui chơi như đã cam kết. Sở đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các huyện thực hiện cam kết nhưng chưa huyện nào “nhúc nhích” cả”.
Bình Định hiện có 20 xã bãi ngang, 3 huyện nghèo và một số xã diện 135 ở các huyện đồng bằng. Ông Hải cho rằng, với nguồn quỹ rất hạn hẹp, chưa thể đầu tư đầy đủ điểm vui chơi cho các xã này thì không thể tính đến chuyện tái đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy hoạch và những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Bởi không hẳn là địa phương không có kinh phí vài triệu hoặc vài chục triệu đồng để duy trì hoạt động các điểm này, điều đáng nói ở đây là tâm lý coi nhẹ sự cần thiết đầu tư xây dựng những điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Tạo dựng các sân chơi cho trẻ em vùng khó khăn là một sự đầu tư chính đáng. Trước mắt, khi chưa đủ điều kiện xây dựng những sân chơi mới cho các em, cần rà soát, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung lại hệ thống sân chơi đã có đang bị xuống cấp, bỏ hoang.
|