Chống lấn chiếm vỉa hè, đường phố tại Quy Nhơn:
Cần nhưng không dễ
21:19', 8/8/ 2011 (GMT+7)

Hiện nay, TP Quy Nhơn đang ra quân đồng loạt lập lại trật tự đô thị đường phố, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính. Chiến dịch này đã mang lại hiệu quả đáng kể, nhưng để duy trì lâu dài, cần sự nỗ lực thường xuyên của các ngành, các cấp và nhất là ý thức tự giác của mỗi người dân.

Nhìn từ một phường điểm

Năm 2009, phường Lê Lợi là một trong năm phường của TP Quy Nhơn triển khai làm điểm chống lấn chiếm vỉa hè và lòng đường ở hai tuyến Lê Hồng Phong và Lê Lợi. Phường vận động 152 hộ có nhà mặt đường ở hai tuyến trên ký cam kết không mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; 34 hộ buôn bán đồ ăn sáng, giải khát quán triệt thực hiện buổi sáng buôn bán đến 9 giờ, buổi chiều từ 17 giờ mới được buôn bán…

 

Cảnh mua bán mất trật tự trên đường Phan Bội Châu tại khu vực Chợ Lớn cũ Quy Nhơn.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, cho biết: Nhìn chung, một số hộ kinh doanh, mua bán đã chấp hành đúng chủ trương, thu dọn hàng quán đúng giờ quy định. Năm 2010, UBND phường tiếp tục triển khai mô hình trên tại các tuyến Xuân Diệu, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu… tiến tới xây dựng phường kiểu mẫu trong công tác trật tự đô thị và an toàn giao thông.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, một số tuyến phố chính như Phan Bội Châu (đoạn ngang qua Chợ Lớn cũ), Trần Bình Trọng (đoạn Trần Bình Trọng - Phan Bội Châu) vẫn còn tình trạng chiếm dụng vỉa hè để buôn bán. “Đây là một trong những đoạn đường khó dẹp nhất thời gian qua. Một số người vin vào việc Chợ Lớn mới và Trung tâm Thương mại xây dựng chưa xong; phần do tâm lý của người đi chợ vẫn thích mua ở ngoài đường cho tiện …” - bà Nguyệt thừa nhận.

Lập lại trật tự: Không dễ

Từ cuối tháng 7.2011, UBND TP Quy Nhơn đã thành lập đoàn liên ngành quản lý trật tự liên phường, xã và đồng loạt ra quân chấn chỉnh tình hình mua bán mất trật tự tại một số tuyến đường chính như Xuân Diệu, Nguyễn Tất Thành, dải cây xanh thuộc đường Phạm Hùng… thuộc các phường Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Hải Cảng, Lê Lợi, Ngô Mây, Lý Thường Kiệt.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: “Trước đây, thành phố đã chỉ đạo cho các phường, xã thực hiện chống lấn chiếm vỉa hè nhưng không hiệu quả; một số hộ dân cố tình vi phạm không chấp hành. Bởi vậy, đợt ra quân lần này kéo dài đến tháng 9.2011 sẽ kiên quyết xóa bỏ tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường”. Trong đó, Công ty Công viên - Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn được giao quản lý vỉa hè các tuyến đường chính và vỉa hè các công viên cây xanh trên địa bàn Quy Nhơn.

 

                    Tình trạng lấn chiếm lề đường Lý Thường Kiệt. Ảnh: Văn Lưu

 

Có mặt trong những ngày đầu ra quân của các lực lượng chức năng, chúng tôi đã chứng kiến một số hộ bán quán nhậu ở đường nội bộ Xuân Diệu phản ứng rất quyết liệt, thậm chí còn không ngại va chạm với lực lượng liên ngành. Họ cho rằng, do nhà chật nên phải ra bán ngoài vỉa hè; nếu không ngồi ở vỉa hè thì khách biết ngồi ở đâu (!) Thực tế cũng cho thấy, sau nhiều đợt ra quân rầm rộ lần trước, các tuyến đường mua bán lộn xộn tạm “im ắng” một thời gian, nhưng sau đó, đâu lại vào đấy.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng khẳng định, chính quyền thành phố sẽ kiên quyết chấn chỉnh tình trạng này. Với những hộ thật sự khó khăn, nếu cần, sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề hoặc chuyển nghề.

Quy hoạch một số tuyến cho tiểu thương buôn bán?

Cuộc chiến chống lấn chiếm vỉa hè vẫn dai dẳng, quyết liệt và chưa thấy hồi kết. Trong thực tế, “nền kinh tế vỉa hè” đã mang lại thu nhập chính cho không ít hộ dân. Bởi vậy, nên chăng, với các tuyến đường chính có vỉa hè rộng rãi, thoáng đãng và một số công viên cây xanh… có thể phân chia lộ giới, phần vỉa hè nào có thể kinh doanh, để xe; phần nào dành cho người đi bộ.

Riêng với đường nội bộ Xuân Diệu, có thể để các hộ buôn bán vì trên thực tế, du khách chỉ đi bộ phần đường Xuân Diệu ở phía biển, ít người đi vào đường nội bộ. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh phải cam kết nếu vi phạm các quy định và gây mất trật tự, mỹ quan đô thị thì sẽ bị phạt hoặc không được phép kinh doanh nữa. Với các tuyến đường có vỉa hè nhỏ, cần kiên quyết chống lấn chiếm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.         

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cho phép mở đường ngang dân sinh tại lý trình km 1085+710  (07/08/2011)
Quản lý để tránh lãng phí!   (05/08/2011)
45 ha lúa thu ở đồng Văn Gia đã đủ nước tưới  (03/08/2011)
Nỗi lòng của người dân ở một khu phố văn hóa  (03/08/2011)
Ban hành quyết định kiểu lạ đời!   (01/08/2011)
Hơn 50 hộ dân xã Mỹ Lộc lo lắng khi làm lại cầu Bình Dương   (25/07/2011)
Vườn thú Quy Nhơn đang rơi vào quên lãng  (23/07/2011)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (22/07/2011)
Cần có biện pháp mạnh với quảng cáo, rao vặt trái phép  (19/07/2011)
Tình trạng pa-nô tuyên truyền xuống cấp   (18/07/2011)
Dân kêu trời vì cơ sở chế biến hải sản  (13/07/2011)
Cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng  (12/07/2011)
Cần tăng cường bảo vệ môi trường  (08/07/2011)
Đã vá lỗ thủng trên đường liên xã  (06/07/2011)
Biến đường thành… chợ   (06/07/2011)