Bốn vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt làm chết 4 người chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua (giữa tháng 7 đến đầu tháng 8.2011) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình mất an toàn giao thông đường sắt và những bất cập tại nhiều tuyến đường ngang dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là vụ TNGT xảy ra lúc 20 giờ 30 ngày 19.7, tại km 1090 đoạn đường sắt đi qua địa phận thôn Phú Mỹ 2 (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), làm ông Nguyễn Thành Lộc (60 tuổi, ngụ tại thôn Phú Mỹ 2) chết tại chỗ. Những người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm cho nạn nhân là vào thời điểm trên, do đang say rượu lại thiếu quan sát, ông Lộc đã băng qua đường sắt. Đúng lúc đó, đoàn tàu SH2 đi hướng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh vừa đến đã hất văng, khiến ông Lộc chết tại chỗ.
Sau đó vài ngày, anh Nguyễn Thành Nhân (SN 1984, huyện Phù Cát) trong khi điều khiển mô tô 77S1 0764 khi đang cố băng qua đường sắt tại điểm giao nhau đường sắt với đường ngang dân sinh đã bị tàu lửa mang số hiệu SE1 chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Hà Nội tông chết lúc 7 giờ 40 phút ngày 22.7.
Trong 4 vụ TNGT đường sắt diễn ra chưa đầy một tháng qua, thương tâm nhất là vụ tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm của em Phạm Hoàng Xuân (SN 1993, ở huyện Phù Mỹ). Sau buổi thi cuối cùng ngày 10.7 (đợt 2, Kỳ thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng năm 2011), Xuân điều khiển xe máy từ nhà xuống thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ) để đón bạn. Khi mới đến đoạn đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt tại thôn Tân Lộc (xã Mỹ Lộc), do thiếu quan sát, Xuân bị tàu hỏa chạy từ hướng Bắc vào tông phải, làm chết tại chỗ.
Trước tình hình TNGT đường sắt có chiều hướng tăng thời gian gần đây, thiết nghĩ, ngành đường sắt cần phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân. Bởi trên thực tế, theo phân tích các vụ TNGT đường sắt của Cục Đường sắt Việt Nam năm 2010 cho thấy, trong tổng số 451 vụ tai nạn giao thông đường sắt có 13% số vụ xảy ra tại các đường ngang hợp pháp, 87% số vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh tự mở trái phép mà nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn tại đường ngang vẫn là ý thức của người tham gia giao thông tại các điểm giao cắt chưa cao, không chú ý quan sát tàu khi đi qua đường ngang. Đồng thời, cần khảo sát thực trạng hạ tầng giao thông để tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo an toàn tàu chạy, trước mắt tập trung vào các tuyến đường ngang.
|