|
Xe được trưng bán tại một hiệu cầm đồ ở Quy Nhơn (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Nhiều người nghĩ rằng, những chiếc xe máy bày bán tại tiệm cầm đồ có nguồn gốc từ khách hàng cầm cố nhưng không có tiền chuộc lại, nên thường chọn những điểm này để mua xe với hy vọng giá rẻ và chất lượng tốt. Nắm bắt được tâm lý này, gần đây không ít tiệm cầm đồ trưng bày những chiếc xe máy chất lượng kém đã qua tân trang để lừa khách hàng.
Thời gian gần đây, phần lớn tiệm cầm đồ trên địa bàn TP Quy Nhơn đều gắn bảng bán xe máy. Phần lớn xe được bày bán tại tiệm cầm đồ đều đã qua sử dụng, không chỉ đa dạng về chủng loại, mà số lượng cũng nhiều không thua những cửa hàng chuyên kinh doanh xe máy cũ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, xe được trưng bày bán tại các tiệm cầm đồ không chỉ là xe của khách hàng cầm cố…
Anh Nguyễn Văn Chương, quê ở Hoài Nhơn, sinh viên năm 2 Đại học Quy Nhơn, bức xúc kể lại: “Bước vào năm học thứ 2, cha mẹ dành dụm được ít tiền cho tôi mua chiếc xe máy cũ để đi lại học thêm. Cách đây vài ngày, vì nghĩ rằng tiệm cầm đồ thường bán xe đã qua cầm cố nên giá rẻ, tôi đến một tiệm trên đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn) để tìm mua xe. Nhìn chiếc xe Suzuki Viva sáng loáng trưng bày, tôi ưng ý ngay vì xe còn đẹp, máy nổ êm. Sau một hồi trả giá, tôi đồng ý mua chiếc xe này với giá 8 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày mua về, xe bắt đầu xuất hiện bao nhiêu là bệnh, cứ chạy vài bữa là trục trặc. Mang xe đến một tiệm sửa xe quen, anh thợ sửa xe cho biết chiếc xe này đã quá tàn, được người mua bán xe máy “mông má” rồi đưa vào tiệm cầm đồ bán. Biết mình bị lừa nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ làm gì được nữa”.
Cách đây không lâu, trong vai một người đi mua xe máy cũ, tôi cùng một người bạn là chủ tiệm sửa chữa xe máy đến một tiệm cầm đồ trên đường Hai Bà Trưng chọn mua xe. Nhìn thấy chiếc xe Dream đã qua sử dụng còn khá mới trưng bày trước tiệm, tôi tỏ vẻ ưng ý ngay. Tôi hỏi: “Xe này có phải xe cầm đồ không anh?”. Thấy tôi tỏ vẻ thích chiếc xe, người bán hàng nhiệt tình giới thiệu: “Xe này của một người cá độ đá bóng, cầm 9 triệu đồng nhưng quá hạn hơn 1 tháng rồi nên tụi anh đem bán”. Vừa nói, người bán hàng bật chìa khóa nổ máy. Xe vừa nổ, chủ tiệm vỗ vào đầu xe tâm đắc: “Nghe tiếng nổ biết “hàng xịn” liền, chiếc xe này chạy cả chục năm nữa cũng chưa vấn đề gì”. Tắt máy xe, anh bạn đi cùng tôi mở nắp nhớt máy ra, thấy nhớt được đổ ngập lút, anh đề nghị: “Nhớt đổ đầy quá! Giờ đổ bớt nhớt ra đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, nếu xe vẫn nổ máy êm chúng tôi sẽ mua ngay”. Nghe vậy, người bán hàng đổi thái độ ngay: “Không mua thì thôi, sao lại bắt chúng tôi đổ nhớt ra”. Trên đường về, bạn tôi giải thích rằng chiếc xe Dream này máy đã “hết đát” nên họ đổ nhớt thật nhiều vào cho máy nổ êm. Nếu đổ nhớt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì nghe tiếng rệu rạo trong máy ngay”.
Theo một chủ tiệm sửa xe trên đường Nguyễn Thái Học, phần lớn xe được bán ở các tiệm cầm đồ đều “có vấn đề”, hỏng hóc không lớn nhưng sửa lại mất nhiều tiền. Hoặc có những chiếc xe “đen”, đã từng xảy ra tai nạn hoặc bị công an bắt nên chủ xe bán. Tại tiệm cầm đồ, cũng có một số xe trưng bày bán là hàng cầm đồ, nhưng rất hiếm. Mánh khóe của một số chủ tiệm cầm đồ là lợi dụng tâm lý của người mua thích xe cầm đồ với giá rẻ nên bắt tay với người chuyên mua bán xe cũ để lừa khách hàng. Thường khách đến mua xe chỉ coi qua hình thức, coi biển số để biết đời xe, nổ lên nghe tiếng êm là ưng ý. Cho nên, một chiếc xe máy dù hỏng hóc, mới cũ đến đâu thì chỉ cần vài lần sơn xịt, tút lại, thay thêm mấy món đồ rẻ tiền của Trung Quốc là lại như mới…
|