Đã từ lâu trên đường Lê Hồng Phong, đoạn trước Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, xuất hiện tấm bảng nền đỏ chữ vàng với nội dung “Đoạn đường thanh niên tự quản về trật tự an toàn giao thông” (ảnh). Không biết mô hình này có còn tiếp tục hay không mà tấm bảng vẫn treo ở đó, nhưng ngay bên cạnh là tủ bánh mì, cà phê và hàng chục bộ bàn ghế nhựa; hàng quán lúc nào cũng đông khách. Đây là đoạn đường trung tâm, thường xuyên đông người qua lại nhưng luôn đập vào mắt mọi người là hàng quán vỉa hè tràn hết một đoạn dài, đó là chưa kể đến nước thải, rác theo đó tràn xuống cả lòng đường. Nhìn vào tấm bảng người đi đường cứ thắc mắc, không biết đây là đoạn đường thanh niên tự quản hay... quán sá tự quản (?!)
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Thi thoảng người đi đường vẫn bắt gặp những bảng đăng ký công trình tự quản, những câu khẩu hiệu rất “kêu”, tuy nhiên, hiệu quả chưa thật nhiều. Nhiều đoạn đường được giao cho nhân dân, hoặc các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ… tự quản nhưng hàng quán, chợ xổm vẫn ngang nhiên tràn ngập. Có lẽ những mô hình này chỉ mang tính phong trào, các ban ngành đoàn thể vận động là chính, ngoài ra không có chế tài nghiêm khắc nên khi phát động, ra quân thì thu được kết quả tốt đẹp, sau đó mọi việc vẫn tái diễn.
Làm thế nào để những mô hình tự quản phát huy hiệu quả thiết thực, để mọi người dân tự giác chấp hành đòi hỏi các ban ngành, đoàn thể phải thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu. Và điều cần làm ngay, là nếu những mô hình không còn phù hợp, hoặc không có tác dụng thì nên kết thúc, đừng để những tấm bảng cứ tồn tại cùng với những việc làm trái ngược với mục đích, ý nghĩa đã đề ra.
|