Không nên sử dụng điện thoại di động tại các cây xăng
21:56', 14/1/ 2012 (GMT+7)

Tại hầu hết các cây xăng, chủ kinh doanh đều gắn biển báo với nội dung khách hàng không được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) mỗi khi vào đổ xăng. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều người không hề quan tâm tới nội dung cảnh báo này. Tình trạng nhiều khách hàng vừa đứng đợi đổ xăng, vừa thản nhiên “tán” điện thoại tại các cửa hàng xăng dầu vẫn thường xuyên diễn ra.

Không phải ngẫu nhiên mà tại các cửa hàng xăng dầu người ta lại cảnh báo “khu vực không sử dụng ĐTDĐ” bởi tình trạng cây xăng bỗng dưng bốc cháy mà đối tượng nghi vấn số 1 là ĐTDĐ đã nhiều lần xảy ra.

 

Nghe điện thoại di động trong khu vực cây xăng dầu rất dễ gây cháy nổ (ảnh chụp ngày 9.1.2012, tại cây xăng dầu trên đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn).

 

Khoảng 10 giờ ngày 12.1, tôi ghé vào cây xăng nằm trên đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) để tiếp nhiên liệu cho xe máy. Vì khách đông nên tôi phải đợi một lúc khá lâu mới tới lượt. Trong khi chờ đợi, tôi thấy rất nhiều khách hàng trong lúc chờ đợi đổ xăng vẫn vô tư rút ĐTDĐ ra nhắn tin, gọi đi và nhận cuộc gọi tới.

Theo quan sát của chúng tôi, tại hầu hết các cây xăng khác trên địa bàn TP Quy Nhơn cũng đều xảy ra tình trạng trên. Giới trẻ là đối tượng phổ biến nhất. Khoảng 16 giờ ngày 10.1, 2 bạn trẻ gồm 1 nam, 1 nữ vào cây xăng gần Bến xe khách Trung tâm TP Quy Nhơn đổ xăng. Khi xe vừa vào cây xăng thì ĐTDĐ của nam thanh niên reo lên và người này vô tư “nấu cháo điện thoại” ngay tại khu vực nhạy cảm về nguy cơ xảy ra cháy nổ khoảng hơn 10 phút. 

Theo các nhà khoa học, sóng ĐTDĐ là một trong những yếu tố có thể gây ra cháy, nổ. Tại các trạm xăng dầu sẽ diễn ra hiện tượng xăng bốc hơi, biến thành khí gas tạo ra những ion tích điện lởn vởn trong không gian. Khi người sử dụng điện thoại gọi hay nhận cuộc gọi; sử dụng kết nối không dây như GPRS, 3G, bluetooth… sẽ làm công suất phát sóng của chiếc ĐTDĐ cao hơn rất nhiều lần so với trạng thái chờ. Khi đó, nếu có hiện tượng cộng hưởng và tương tác điện từ, sóng có thể tạo ra những tia lửa điện “bắt” vào hơi xăng gây cháy nổ.

Ngoài ra, chiếc ĐTDĐ thường tản nhiệt thông qua vỏ máy, từ vỏ nhựa cho đến vỏ bằng hợp kim. Nếu các linh kiện bên trong máy không đảm bảo chất lượng, có thể nhiệt độ sẽ truyền qua vỏ, nhất là vỏ hợp kim. Hiện tượng nóng bất thường của chiếc ĐTDĐ có thể tạo ra tiếng nổ, tia lửa điện tiếp xúc trực tiếp với hơi xăng, gây ra cháy nổ.

Còn theo ông Nguyễn Minh, chủ một cửa hàng mua bán và sửa chữa ĐTDĐ trên đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, thì: Pin trong chiếc ĐTDĐ cũng là yếu tố nguy hiểm dẫn đến hiện tượng cháy, nổ khi sử dụng điện thoại tại các cây xăng. Nếu pin kém chất lượng hay do dùng quá lâu đã làm mòn điểm tiếp xúc giữa pin và ĐTDĐ, có thể phát sinh tia lửa điện khi chúng ta sử dụng chiếc ĐTDĐ để nghe, gọi.

Vì những lý do trên, hầu hết tài liệu hướng dẫn sử dụng của các hãng sản xuất ĐTDĐ như Nokia, Samsung, LG… đều cảnh báo người dùng phải tắt máy hoặc tránh xa những nơi có chứa nhiều loại nhiên liệu, hóa chất dễ gây cháy nổ như xăng, gas. Do vậy, cách an toàn nhất là chúng ta không nên nghe hoặc gọi ĐTDĐ khi đang ở trong khu vực cây xăng.

  • M.NHÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các trường PTDTNT cần nỗ lực nhiều hơn  (14/01/2012)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (09/01/2012)
Xây dựng hoa viên tại ngã ba Hoài Tân - Bồng Sơn  (05/01/2012)
Ô nhiễm môi trường vì... khói thuốc lá  (02/01/2012)
Tỉnh lộ 635 xuống cấp nặng  (28/12/2011)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (19/12/2011)
Hãy cứu lấy tỉnh lộ 640  (18/12/2011)
Đã có trường mẫu giáo khang trang  (14/12/2011)
Hố sâu tại ngã ba đã được khắc phục  (12/12/2011)
Đào bới như thế còn gì là đường  (12/12/2011)
Cần thực hiện đúng những điều đã hứa  (07/12/2011)
Nhà “ôm” trụ điện chưa bị xử lý  (05/12/2011)
Bất ổn tại trạm dừng xe buýt cầu 16  (26/11/2011)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (17/11/2011)
“Hồ nước” hậu thi công đe dọa tính mạng người dân   (14/11/2011)