Ở huyện Tây Sơn, xã Bình Tân là xã có diện tích mì khá lớn. Nhiều năm qua, ở thôn Phú Hưng, xã Bình Tân có hàng chục hộ làm nghề chế biến tinh bột mì. Cơ sở sản xuất của các hộ này không có hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ngày một trầm trọng hơn.
|
Một hộ ở thôn Phú Hưng đang chế biến tinh bột mì. |
Nghề trồng mì và chế biến tinh bột mì thực sự mang lại nguồn thu nhập đáng kể và giúp hàng trăm lao động ở địa phương có việc làm ổn định. Thấy có hiệu quả, nên gần đây một số hộ ở thôn Phú Hưng đã đầu tư vốn liếng mở rộng quy mô hoạt động, nâng công suất máy chế biến tinh bột lên gấp nhiều lần, mỗi ngày cả thôn chế biến trên 15 tấn mì tươi cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Sản xuất phát triển nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc. Hàng ngày nhiều người dân ở thôn Phú Hưng phải hứng chịu không khí ô nhiễm, mùi nước thải bốc lên nồng nặc, hôi thối, nhất là vào thời điểm chính vụ (bắt đầu tháng 8 âm lịch đến sau tết). Đây là thời điểm các cơ sở vào vụ sản xuất chính nên không khí ô nhiễm càng nặng nề hơn.
Không chỉ hôi thối, nước thải từ việc chế biến tinh bột mì không qua xử lý được xả thẳng vào môi trường lâu ngày đã làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Giếng nước của nhiều hộ dân ở thôn Phú Hưng bị ô nhiễm, không còn sử dụng được. Nhiều gia đình phải mua nước lọc về uống hoặc phải đến các giếng ở xa không bị ô nhiễm để xin nước về nấu ăn.
Thực trạng trên đã kéo dài nhiều năm nay, thế nhưng ai cũng e ngại không muốn lên tiếng vì hầu như trong thôn đều là bà con dòng họ, làng xóm với nhau, nói ra sợ mất lòng. Có người chẳng có quan hệ dòng tộc gì nhưng cũng chẳng dám phản ứng vì sợ dè bỉu “thấy họ làm ăn được nên ganh ghét”. Vì thế mà cả làng cam chịu sống trong môi trường ô nhiễm.
Thực trạng ô nhiễm ở thôn Phú Hưng đã rất nặng, đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng can thiệp, yêu cầu các hộ sản xuất, chế biến tinh bột mì lắp đặt hệ thống xử lý nước thải hợp chuẩn để bảo vệ môi trường.
|