Báo Bình Định số 4804 ra ngày 10.10.2012, trên trang 7 có đăng bài “Mùa nấm keo”, nói về hiện tượng nấm mọc dày đặc sau mưa trong những rừng keo, bạch đàn ở huyện Phù Mỹ; người dân địa phương phấn khởi vào rừng hái nấm, đem tiêu thụ mang lại thu nhập khá… Đọc bài này đã lâu, tôi cố gắng tra cứu tài liệu để rõ hơn về loại nấm này, nhưng không có, nên nay mạo nuội có một vài ý kiến trao đổi.
Đọc qua bài viết, người đọc băn khoăn: Rốt cuộc đây là loại nấm gì, đã từng là nguồn thực phẩm quen thuộc với người dân hay chưa? Nấm mọc từ môi trường rừng trồng keo, bạch đàn từ lâu hay mới mọc rộ vài năm gần đây? Nấm chỉ mọc ở rừng keo, bạch đàn ở Phù Mỹ hay ở nhiều huyện khác nữa?... Loại nấm trong bài viết không có tên gọi cụ thể, mà theo tác giả thì: “nấm mọc từ đất trồng keo, bạch đàn nên được gọi chung là nấm keo”. Ngoài ra, “nấm keo” được miêu tả như một loại thực phẩm ngon miệng, bổ dưỡng: “Nấm keo về làng được người hái chọn lấy nấm đẹp làm quà biếu, phần còn lại phơi khô để dành ăn dần hoặc đem bán. Mùa nấm, làng ven rừng được dịp ăn nấm thỏa thuê. (…) Khi nấu, nấm tỏa mùi ngai ngái, vị ngọt pha chút đắng, ăn ngon miệng, rất mát”…
Theo phản ánh của tác giả, người dân rất vô tư hưởng “lộc rừng, lộc trời”: “Nấm keo chỉ mọc trong một thời gian nhất định nên ai cũng tranh thủ hái, phơi để dành ăn”. “Nấm keo” được người dân ven rừng Phù Mỹ đổ xô đi hái, ăn có, bán có, có đại lý thu gom hẳn hoi. “Nấm keo” trở thành thực phẩm ưa chuộng hằng ngày của người dân địa phương; hàng trăm, hàng ngàn ký “nấm keo” đi ra thị trường.
Ai cũng biết, nấm là một trong những thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc rất cao, đặc biệt những loại nấm mọc tự nhiên, hoang dã trong rừng như “nấm keo”. Mùa đông, mùa xuân là mùa sinh sôi, nảy nở của các loại nấm rừng; đây cũng là thời gian xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm nhiều nhất với tỉ lệ tử vong cao.
Ngộ độc nấm rất đa dạng, ngay cả khi đó là loại nấm lành nhưng mọc trên môi trường không tốt hay gặp phân, nước tiểu của một số loại côn trùng thải ra sinh độc tố…
Trước tình trạng nấm keo xuất hiện dày đặc, cuốn theo sự khai thác, tiêu thụ của người dân, thiết nghĩ lãnh đạo địa phương, các cơ quan chức năng liên quan mà trước hết là ngành nông nghiệp, ngành y tế nên lưu tâm, xác định đây là loại nấm gì, đặc điểm sinh học thế nào, có an toàn tuyệt đối cho người sử dụng hay không… để có biện pháp định hướng, khuyến cáo người dân, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
|