Một hộ gia đình tự ý xây dựng cống thoát nước, thay đổi dòng chảy tự nhiên, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ (HLĐB). Khi ngành chức năng và chính quyền địa phương lập biên bản xử lý, hộ gia đình này gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng với mong muốn để cống thoát nước được tồn tại theo ý mình.
Trong đơn, hộ này cho rằng, do lãnh đạo địa phương “thành kiến” với gia đình họ nên mới cố tình gây khó khăn.
|
Hệ thống cống thoát nước gia đình bà Thống xây dựng tại km 5+530.
|
Vi phạm HLĐB nhưng…
Đầu tháng 6.2012, gia đình bà Trương Thị Thống (SN 1973, trú xóm Chính Trạch, thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) xây dựng cống thoát nước tại km 5+530 (thuộc tuyến ĐT 640, đoạn qua thôn Phổ Trạch) nhằm mục đích khắc phục mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nơi đây. Tuy nhiên, do gia đình bà Thống tự ý xây dựng công trình, lại vi phạm HLĐB nên đã bị ngành chức năng và chính quyền địa phương lập biên bản xử lý.
Bà Thống cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi thường xuyên chịu đựng mùi hôi thối bốc lên từ con mương này. Đầu tháng 6.2012, gia đình tôi tự bỏ tiền lắp đặt hệ thống cống thoát nước để chống tình trạng ô nhiễm môi trường. Sau khi lắp đặt cống, mương thoát nước trở nên khô ráo, không còn mùi hôi. Vậy mà đơn vị quản lý đường bộ và chính quyền địa phương lại lập biên bản xử lý vi phạm và buộc tôi phải tự giác tháo dỡ công trình”.
Trong khi đó, theo UBND xã Phước Thuận: Suối thoát lũ mà gia đình bà Thống đã tự ý xây dựng, lắp đặt cống thoát nước; trước kia là suối lộ thiên, rộng 1,3m, sâu 1,5m; đây là suối thoát lũ chính của khu dân cư, còn có nhiệm vụ thu nước từ phía núi Kỳ Sơn chảy qua tuyến ĐT 640 đổ về mương thủy lợi.
Gia đình bà Thống xây dựng công trình, lắp đặt bộng bê tông có đường kính rộng 1,1m, nhỏ hơn chiều rộng tự nhiên của suối nên dòng chảy bị thay đổi, không đảm bảo nhiệm vụ thoát nước, có thể dẫn đến tình trạng ngập úng bất thường mỗi khi có mưa. Mặt khác, việc làm của gia đình bà Thống đã vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Giải quyết được ô nhiễm
Trước vụ việc trên, ngành chức năng gồm Hạt quản lý giao thông đường bộ ĐT 640, Công ty cổ phần Giao thông - Thủy bộ Bình Định, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và UBND xã Phước Thuận đã nhiều lần làm việc, lập biên bản xử lý đối với bà Trương Thị Thống. Tuy nhiên, do bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường nên gia đình bà vẫn kiên quyết làm và đến nay công trình đã hoàn thành.
Theo bà Thống: “Tôi thừa nhận có thiếu sót khi chưa làm thủ tục xin phép cơ quan chức năng mà đã xây dựng công trình. Tuy nhiên, tôi làm việc này cũng vì mục đích chống hôi thối, ô nhiễm môi trường nên rất mong ngành chức năng xem xét, cho phép hệ thống cống được tồn tại. Việc khu vực này bị ngập nước mỗi khi trời mưa là do địa hình nơi đây thấp trũng chứ không phải hệ thống cống của gia đình tôi gây nên”.
Còn theo ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận: Đúng là việc xây dựng cống thoát nước của gia đình bà Thống đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây. Tuy nhiên, bà Thống không xin phép cơ quan chức năng, lại xây dựng công trình vi phạm HLĐB nên về nguyên tắc phải lập biên bản xử lý, yêu cầu bà tự giác tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu. Ngoài ra, vào ngày 23.8.2012 vừa qua (thời điểm gia đình bà Thống đã lắp đặt hệ thống cống thoát nước), chỉ một cơn mưa không quá lớn nhưng nơi đây đã xảy ra tình trạng ngập úng một cách bất thường.
Tuy nhiên về vấn đề này, chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với một số hộ dân có nhà tại khu vực này và được họ cho biết: Đúng là khi công trình cống thoát nước được xây dựng, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được khắc phục. Về chuyện ngập úng nước, do khu vực này có địa hình thấp nên hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng này mỗi khi mưa to kéo dài.
Cần xử lý dứt điểm
Từ cuối tháng 9.2012, vụ việc bỗng trở nên phức tạp, không còn dừng lại ở việc xử lý hành vi vi phạm HLĐB mà phát sinh một sự việc mới, phức tạp hơn.
Theo ông Trinh: “Ngày 30.9.2012, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục làm việc với bà Thống, chỉ ra hành vi sai phạm của bà và yêu cầu bà tự giác tháo dỡ công trình. Sau buổi làm việc này, các ngày từ 2 đến 10.10.2012, địa phương và nhiều cơ quan chức năng liên tiếp nhận 8 đơn khiếu nại do bà Trương Thị Thống đứng đơn cùng 14 hộ dân xóm Chính Trạch tham gia ký đơn. Nội dung khiếu nại cho rằng UBND xã buộc tháo dỡ ống cống tại km 5+530 là không đúng; ngoài ra, đơn còn bịa đặt, vu khống, bôi nhọ uy tín và danh dự của lãnh đạo địa phương”.
Về 8 lá đơn khiếu nại, vào ngày 24.10.2012, UBND xã Phước Thuận đã tiến hành làm việc với bà Thống và 14 hộ dân để xác minh, làm rõ. Tại buổi làm việc, 11 trong 14 hộ dân không công nhận chữ ký của họ trong các đơn khiếu nại và cho rằng có người mạo danh chữ ký nên đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Bản thân bà Thống cũng không công nhận 8 lá đơn khiếu nại là do bà đứng đơn; bà cho rằng có người mạo danh chữ ký và cũng đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Có thể thấy, vụ việc giờ đây không chỉ dừng lại ở hành vi xây dựng cống thoát nước vi phạm HLĐB, mà đã trở nên phức tạp khi xảy ra nghi vấn “mạo danh chữ ký, đứng đơn khiếu nại tập thể”. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm làm sáng tỏ, xử lý dứt điểm vụ việc trong đó có lưu ý những yếu tố tích cực của việc gia đình bà Thống làm cống.
|