UBND xã Ân Mỹ xử lý việc trồng rừng trái phép ở hồ Mỹ Đức:
Cần xử lý dứt điểm, minh bạch và công bằng
22:24', 6/11/ 2012 (GMT+7)

Ông Lê Văn Mầu (SN 1969, thường trú ở thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan phản ánh việc chính quyền địa phương tự ý chặt phá rẫy keo do gia đình ông trồng. Ngoài ra, ông Mầu cũng phản ảnh, nhiều hộ khác cũng trồng keo gần rẫy của ông nhưng xã lại không chặt. Thực hư vụ việc ra sao?

 

Số keo gia đình ông Mầu trồng vào tháng 9.2011 đã bị UBND xã Ân Mỹ chặt phá vào ngày 4.9.2012.

 

Theo trình bày của ông Lê Văn Mầu: Sau năm 1975, người nhà của ông khai hoang một khoảnh rẫy có diện tích khoảng 2 ha tại khu vực Trảng Sim (nay là khu vực hồ Mỹ Đức, thuộc thôn Mỹ Đức). Năm 1985, Nhà nước xây dựng hồ chứa nước Mỹ Đức, cấm người dân trồng trọt, canh tác tại khu vực này nên gia đình ông phải bỏ hoang rẫy. Đến năm 1998, ông Mầu tiếp tục trồng một số cây lâu năm như chanh, điều, dó... tại khu vực rẫy mà gia đình ông đã khai hoang.

Năm 2006, khi Nhà nước triển khai “Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (Dự án KfW6), gia đình ông Mầu tham gia vào Dự án và được ngành chức năng, chính quyền địa phương giao diện tích rẫy đã khai hoang trước đây để phát dọn đường biên, phân luồng, rồi chờ nhận cây giống về trồng. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, sau đó Dự án không tiếp tục triển khai, tiền công phát dọn của gia đình ông Mầu cũng không có cơ quan nào đứng ra thanh toán (!).

Khoảng tháng 9.2011, không muốn bỏ hoang rẫy, ông Mầu mua keo về trồng trên khoảnh đất kể trên. Tuy nhiên, việc này bị UBND xã Ân Mỹ lập biên bản xử phạt hành chính 2 triệu đồng và yêu cầu gia đình ông Mầu tự nhổ bỏ số cây đã trồng.

“Sau khi nộp phạt, tôi không nghe chính quyền địa phương nói gì nữa nên tưởng mọi việc đã xong. Không ngờ, vào ngày 4.9.2012, UBND xã Ân Mỹ đưa người vào chặt phá hết số keo gia đình tôi đã trồng mà không hề thông báo trước. Đáng nói hơn, nhiều hộ khác cũng trồng keo ở gần rẫy của tôi nhưng chính quyền địa phương cố tình làm ngơ, chỉ xử lý một mình gia đình tôi”, ông Mầu cho biết.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hà Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, cho biết: Vào năm 2006, ngành chức năng tiến hành khảo sát để triển khai Dự án KfW6 tại diện tích rừng thuộc khu vực hồ chứa nước Mỹ Đức. Gia đình ông Mầu được giao khoán hơn 2 ha đất rừng để phát dọn thực bì, chuẩn bị nhận cây giống về trồng. Tuy nhiên, sau đó tỉnh có chủ trương ngừng triển khai Dự án KfW6 tại khu vực hồ Mỹ Đức. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng nghiêm cấm mọi hành vi tự ý xâm lấn, chặt phá diện tích rừng tại khu vực này để trồng cây.

Năm 2011, ông Mầu tự ý phát trọc hơn 2 ha rừng tại khu vực hồ Mỹ Đức để trồng keo. Về việc này, UBND xã đã nhiều lần mời ông tới làm việc, đề nghị không được tiếp tục thực hiện và tự giác nhổ bỏ số cây đã trồng. Tuy nhiên, ông Mầu vẫn cố tình không chấp hành. Để xử lý, địa phương đã có văn bản báo cáo UBND huyện; sau khi có ý kiến chỉ đạo của huyện, xã mới tổ chức cưỡng chế chặt bỏ số cây đã trồng.

“Riêng những trường hợp cũng tự ý phát dọn rừng, trồng keo như ông Mầu, chúng tôi chưa xử lý là bởi họ thực hiện hành vi từ năm 2010 trở về trước. Sở dĩ có việc này là bởi theo Chỉ thị số 03/CT-CTUBND ngày 23.3.2012 của UBND huyện Hoài Ân, chúng tôi chỉ xử lý những trường hợp tự ý trồng rừng vào thời điểm năm 2011; còn những trường hợp tự ý trồng rừng vào năm 2010 trở về trước, chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện rồi mới tiếp tục xử lý”, ông Thanh cho biết thêm.

Như vậy, việc UBND xã Ân Mỹ tổ chức chặt bỏ số cây keo mà gia đình ông Mầu đã trồng là có căn cứ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng nên xem xét lại việc xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm tương tự ở khu vực hồ Mỹ Đức. Bởi một khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm, địa phương và ngành chức năng cần xử lý rốt ráo, dứt điểm tất cả các trường hợp; không nên giải quyết theo kiểu người mạnh tay, người phải “đợi ý kiến chỉ đạo”. Giải quyết theo cách đó, dễ dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài, gây dư luận xấu về sự khách quan, minh bạch, công bằng của chính quyền địa phương.

  • VĂN LỰC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần thực hiện quy định về chuyển quyền sở hữu xe mô tô, gắn máy  (06/11/2012)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (05/11/2012)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (02/11/2012)
Sớm giải quyết dứt điểm vụ việc  (02/11/2012)
Tuyến đê sông Tân Dân - Tân Dương sẽ được nâng cấp, sửa chữa  (31/10/2012)
Nhân viên khu vui chơi N.O.E.L lừa khách hàng “nhí”  (31/10/2012)
Chấp hành Luật Giao thông đòi hỏi tính tự giác  (30/10/2012)
Được mùa “nấm keo”: Mừng hay lo?  (29/10/2012)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (27/10/2012)
Yêu cầu ông Phương trả lại nguyên hiện trạng ban đầu  (28/10/2012)
Ô nhiễm môi trường do chế biến tinh bột mì  (27/10/2012)
Cần xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm dòng chảy sông Cầu Bún  (26/10/2012)
Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Cát Thắng có xài điện “chùa”không?  (26/10/2012)
Chăn nuôi tự do gây ô nhiễm môi trường nông thôn  (24/10/2012)
Kênh thủy lợi thành nơi đổ rác  (22/10/2012)